Pháp luật quy định như thế nào về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động? Trong bài viết dưới đây, Lawkey sẽ giải đáp giúp bạn đọc.
1. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội
Từ ngày 01 – 01- 2028, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm bao gồm: Mức lương theo công việc hoặc chức danh được ghi trong hợp đồng lao động; Phụ cấp lương (chỉ bao gồm các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ); Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương
thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Các khoản tiền lương không phải đóng bảo hiểm bao gồm: Phụ cấp lương là các khoản phụ cấp gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động; Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động; Các khoản không phải tiền lương.
Tuy nhiên, không phải toàn bộ tiền lương theo các khoản mục trên đây sẽ được dùng làm căn cứ để tính tiền lương đóng bảo hiểm. Luật đã giới hạn, “mức sàn” tiền lương tháng đóng bảo hiểm là mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định tại từng thời điểm hoặc đối với người lao động đã qua học nghề thì tiền lương đóng bảo hiểm bắt buộc phải cao hơn ít nhất bảy phần trăm so với mức lương tối thiểu vùng, nếu làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì cộng thêm năm phần trăm hoặc bảy phần trăm. “Mức trần” cho khoản tiền làm căn cứ đóng bảo hiểm phụ thuộc vào từng loại bảo hiểm, cụ thể như sau:
- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Không được cao hơn hai mươi lần mức lương cơ sở do Chính phủ ban hành tại từng thời điểm.
- Bảo hiểm thất nghiệp: Không được cao hơn hai mươi lần mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ ban hành tại từng thời điểm.
2. Mức đóng và phương thức đóng
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 58/2020/NĐ – CP, mức đóng và phương thức đóng vào Qũy bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện như sau:
(i) Người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình, theo một trong các mức:
- Mức đóng bình thường bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; đồng thời được áp dụng đối với người lao động là cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước;
- Mức đóng bằng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội được áp dụng đối với doanh nghiệp bảo đảm điều kiện sau đây: Trong vòng 03 năm tính đến thời điểm đề xuất không bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội; Thực hiện việc báo cáo định kỳ tai nạn lao động và báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn trong 03 năm liền kề trước năm đề xuất; Tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất phải giảm từ 15% trở lên so với tần suất tai nạn lao động trung bình của 03 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không để xảy ra tai nạn lao động tính từ 03 năm liền kề trước năm đề xuất.
(ii) Người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức 0,5% mức lương cơ sở đối với mỗi người lao động là hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí
(iii) Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì mức đóng hằng tháng tương ứng theo điều kiện từng trường hợp quy định tại (i) và (ii); phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.
Trên đây là nội dung bài viết về “Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn miến phí.