Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Trường hợp, người lao động không làm việc, không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng có phải đóng bảo hiểm xã hộikhông? Trong bài viết dưới đây, Lawkey sẽ giải đáp giúp bạn đọc. 

1. Không làm việc, không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng có phải đóng bảo hiểm xã hội không?

Khoản 3 Điều 85 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: “Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.” 

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm: (i) Ốm đau; (ii) Thai sản; (iii) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; (iv) Hưu trí; (v)Tử tuất.

Từ các quy định trên, có thể rút ra rằng, người lao đông không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng bảo hiểm xã hội tháng đó (bao gồm: ốm đau; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất) và thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế dộ thai sản. Vậy trong thời gian này người lao động có phải đóng bảo hiểm y tế bắt buộc không? 

2. Không làm việc, không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng có phải đóng bảo hiểm y tế bắt buộc không? 

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế được hướng dẫn bởi Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ – CP:

– Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng.

– Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì không phải đóng bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế;

– Người lao động trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì mức đóng hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng của người lao động. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 84 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, Quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng lương hưu hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động bị mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.

Như vậy, trường hợp nghỉ ốm đau 14 ngày thì không phải đóng bảo hiểm y tế bắt buộc mà vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế. Đối với trường hợp nghỉ việc để hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi sẽ do quỹ bảo hiểm đóng; trường hợp bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác thì mức đóng hằng tháng bằng 4,5%  của 50% mức tiền lương tháng của người lao động. 

Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề “Không làm việc, không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng có phải đóng bảo hiểm xã hội không?” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.