Mỗi loại hình doanh nghiệp đều có những điều kiện thành lập riêng nhất định nhưng tựu chung để thành lập doanh nghiệp cá nhân, tổ chức phải thỏa mãn các điều kiện dưới đây. 

1. Điều kiện về chủ thể

Chủ thể có quyền thành lập doanh nghiệp bao gồm các cá nhân, tổ chức không thuộc trường hợp mà pháp luật cấm. Theo đó, tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

  • Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
  • Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
  • Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
  • Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
  • Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
  • Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.

Lưu ý: Cá nhân, tổ chức muốn thành lập doanh nghiệp cũng phải đáp ứng những điều kiện về năng lực chủ thể:

  • Cá nhân được thành lập doanh nghiệp khi có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
  • Tổ chức được thành lập doanh nghiệp khi tổ chức đó là một pháp nhân. Do đó, những tổ chức không có tư cách pháp nhân sẽ không phát sinh năng lực pháp luật để thực hiện việc thành lập doanh nghiệp. 

2. Điều kiện về vốn

Vốn là điều kiện cần thiết không thể thiếu khi thành lập doanh nghiệp và để doanh nghiệp hoạt động. Ngoại trừ những ngành nghề yêu cầu vốn pháp định, pháp luật Việt Nam không quy định khống chế mức vốn tối thiểu là bao nhiêu mới được thành lập doanh nghiệp. 

3. Điều kiện về trụ sở 

Theo quy định thì khi làm thủ tục thành lập doanh nghiệp, chủ thể thành lập doanh nghiệp phải “chuẩn bị” xong trụ sở chính của doanh nghiệp mà mình định lập. Đây là điều kiện bắt buộc. Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ xác định bao gồm cả số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc theo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, bên cạnh trụ sở chính của doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể có chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh. Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Địa điểm kinh doanh là nơi hoạt động kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp được tổ chức thực hiện. Địa điểm kinh doanh có thể ở ngoài trụ sở của địa chỉ đăng ký trụ sở chính. Ngành nghề kinh doanh của chi nhánh, văn phòng đại diện phù hợp với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp phải mang tên của doanh nghiệp, kèm theo phần bổ sung tương ứng xác định chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh đó. 

4. Tên doanh nghiệp 

Xem tại đây: Những lưu ý khi đặt tên doanh nghiệp

5. Ngành, nghề kinh doanh 

Doanh nghiệp được sinh ra nhằm mục đích chủ yếu là tìm kiếm lợi nhuận thông qua hoạt động kinh doanh. Do vậy, ngành nghề kinh doanh là điều kiện “sống còn” của doanh nghiệp. Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định, doanh nghiệp được “tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Luật đầu tư năm 2014 cũng có quy định cụ thể những ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Do đó, các ngành nghề không nằm trong danh mục cấm đầu tư thì nhà đầu tư, doanh nghiệp được kinh doanh theo quy định. Cụ thể, Luật đầu tư năm 2014 nêu rõ 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh bao gồm: (i) Kinh doanh các chất ma túy; (ii) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật cấm; (iii) Kinh doanh động, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm có nguồn gốc từ tự nhiên; (iv) Kinh doanh mại dâm; (v) mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người và (vi) các hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người. 

Ngoài ra, khi lựa chọn ngành nghề đầu tư kinh doanh, các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, ngành nghề kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh, quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Luật đầu tư năm 2014 đã quy định rõ danh mục 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục kèm theo Luật Đầu tư năm 2014; ngành, nghề và điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đó phải được đăng tải trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Ngoài ra, Luật đầu tư năm 2014 cũng quy định chỉ có Quốc hội, Uỷ ban thường vụ quốc hội và Chính phủ mới được ban hành quy định về điều kiện kinh doanh. 

Trên đây là nội dung tổng hợp về “Những điều kiện cần thiết để thành lập doanh nghiệp” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.