Sau đây là những thông tin về lương cơ sở năm 2021 mà cán bộ, công chức, viên chức cần biết khi chính sách tiền lương từ năm 2021 sẽ không còn tuân theo thông lệ hằng năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

1. Mức lương cơ sở theo quy định của pháp luật

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP,  Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ:

–  Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng sau đây:

  • Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện theo quy định của Luật cán bộ, công chức năm 2008.
  • Cán bộ, công chức cấp xã quy định theo quy định của Luật cán bộ, công chức năm 2008.
  • Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật viên chức năm 2010.
  • Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bao gồm: Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội.
  • Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.
  • Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.
  • Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
  • Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.

– Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;

– Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Cũng theo quy định tại Nghị định này, từ ngày 01 tháng 7 năm 2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng.

Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh mức lương cơ sở phù hợp khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Xem thêm: Những trường hợp nào cán bộ, công chức, viên chức bị kéo dài thời hạn nâng lương?

2. Thực hiện cải cách tiền lương, năm 2021 có còn mức lương cơ sở không?

Theo Nghị quyết 27/NQ/TW năm 2018 về chính sách cải cách tiền lương thì sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

Ngày 04/3/2020, tại phiên họp Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ấn định thời gian bắt đầu thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2021. Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 mà kế hoạch cải cách tiền lương sẽ lùi lại và dự kiến bắt đầu áp dụng từ 01/7/2022. 

Như vậy, dự kiến năm 2021, mức lương cơ sở vẫn chưa bị bãi bỏ.

3. Mức lương cơ sở từ 2021 là bao nhiêu?

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 86/2019/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Trong đó, quyết nghị nội dung “Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2020”.

Theo thông lệ hàng năm thì sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về mức lương cơ sở đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo đúng nội dung đã được Quốc hội quyết nghị, tức từ 01/01/2021 đến 30/6/2021 mức lương cơ sở sẽ là 1.600.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của covid-19, bằng các văn bản sau đây Bộ Chính trị, Quốc hội quyết định chưa tăng lương cơ sở từ ngày 01/7/2020 cho đến khi có thông báo mới.

Như vậy, nếu không có thông báo mới thì mức lương cơ sở từ ngày 01/01/2021 dự kiến vẫn giữ mức 1.490.000 đồng/tháng.

Trên đây là nội dung bài viết “Lương cơ sở từ năm 2021: Thông tin cán bộ, công chức, viên chức cần biết” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.