Tạm ứng tiền lương được Bộ luật lao động năm 2012 quy định nhằm mục đích chủ yếu là giúp người lao động kịp thời khắc phục những khó khăn gặp phải trong cuộc sống, trong thời gian nghỉ việc hoặc phải nghỉ việc không có tiền lương. Việc tạm ứng tiền lương cho người lao động được thực hiện trên cơ sở kết quả thỏa thuận của người sử dụng lao động và người lao động hoặc phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
1. Các trường hợp người sử dụng lao động phải tạm ứng tiền lương cho người lao động
Việc tạm ứng tiền lương cho người lao động được thực hiện trên cơ sở kết quả thỏa thuận giữa người lao động và người sư dụng lao động. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, trong các trường hợp dưới đây nếu người lao động có yêu cầu xin tạm ứng tiền lương thì người sử dụng lao động phải chấp thuận:
- Khi người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên. Mức tiền lương tạm ứng cho người lao động trong trường hợp này căn cứ vào số ngày thực tế người lao động phải nghỉ việc nhưng tối đa không qua 01 tháng tiền lương của người lao động và phải hoàn lại số tiền đã tạm ứng trừ trường hợp người lao động phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
- Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng trước một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ; và
- Khi người sử dụng lao động tạm đình chỉ công việc của người lao động trong quá trình xử lý ký luật lao động theo quy định của pháp luật. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc. Nếu người lao động không có yêu cầu người sử dụng lao động tạm ứng lương trong trường hợp này thì người sử dụng lao động vẫn phải chuyển tiền lương tạm ứng cho người lao động vì đây là quyền lợi đương nhiên của người lao động được pháp luật quy định. Lưu ý, nếu người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng còn nếu người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì người sử dụng lao động phải trả đủ tiền lương trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc.
2. Tiền lương làm căn cứ để tạm ứng tiền lương cho người lao động
Tiền lương làm căn cứ để tạm ứng cho người lao động trong thời gian tạm thời nghỉ việc hoặc bị tạm đình chỉ công việc là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề trước khi người lao động tạm thời nghỉ việc hoặc bị tạm đình chỉ công việc và được tính tương ứng với các hình thức trả lương theo thời gian được quy định trong Bộ luật lao động năm 2012 và được hướng dẫn bởi Nghị định 05/2015/NĐ – CP. Trong đó, tiền lương theo thời gian được trả cho người lao động căn cứ vào thời gian làm việc thực tế theo tháng, tuần, ngày, giờ, cụ thể:
- Tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc xác định trên cơ sở hợp đồng lao động;
- Tiền lương tuần được trả cho một tuần làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần;
- Tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn;
- Tiền lương giờ được trả cho một giờ làm việc xác định trên cơ sở tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày theo quy định của pháp luật.
Xem thêm: Tiền lương ngừng việc theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012
Trên đây là nội dung bài viết “Người lao động được ứng lương trong những trường hợp nào?” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với Lawkey để được hỗ trợ.