Theo quy định tại Điều 118 Bộ luật lao động năm 2012, Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh trong nội quy lao động. Mục đích của kỷ luật lao động là nhằm đảm bảo và duy trì trật tự, nề nếp trong hoạt động lao động chung của mọi người lao động hướng đến mục tiêu nâng cao năng suất, hiệu quả lao động. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người sử dụng lao động được tùy tiện áp dụng nhất là đối với hình thức xử lý kỷ luật sa thải.
1. Các hình thức xử lý kỷ luật lao động
Điều 125 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về các hình thức xử lý kỷ luật lao động bao gồm:
(i) Khiển trách: Đây là hình thức xử lý kỷ luật nhẹ nhất đối với người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động. Việc quy định hành cụ thể nào áp dụng hình thức khiển trách hoàn toàn do người sử dụng lao động quyết định.
(ii) Hình thức kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức: Nhóm này bao gồm hai hình thức xử lý kỷ luật lao động riêng biệt, được áp dụng đối với người lao động có hành vi vi phạm đã được quy định trong nội quy lao động. Người sử dụng lao động được quyền lựa chọn hình thức kỷ luật phù hợp để áp dụng. Tuy nhiên, hình thức kỷ luật “cách chức” chỉ áp dụng trong trường hợp người lao động đang đảm đương một chức vụ nhất định. Song, không phải khi nào người lao động đang đảm đương chức vụ mà có hành vi vi phạm kỷ luật đều bị cách chức. Vì nếu hành vi vi phạm không ảnh hưởng đến phẩm chất đạo đức, nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, khả năng quản lý đảm đương chức vụ của người lao động thì người sử dụng lao động có thể vẫn không “cách chức” mà áp dụng hình thức xử lý kỷ luật “kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.”
(iii) Hình thức kỷ luật sa thải: Đây là hình thức xử lý kỷ luật nặng nhất được áp dụng đối với người lao động có hành vi vi phạm ở mức độ lỗi nặng. Theo đó, người sử dụng lao động thấy rằng không thể tiếp tục sử dụng người lao động và họ có quyền loại người lao động ra khỏi đơn vị bằng cách chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động. Tuy nhiên, do người lao động bị sa thải đồng nghĩa với chấm dứt việc làm, thu nhập và sẽ khó khăn trong tìm kiếm việc làm mới cho nên để bảo vệ quyền lợi cho người lao động và tránh trường hợp người sử dụng lao động lạm quyền, Bộ luật lao động năm 2012 quy định một điều luật riêng về các hành vi áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải lao động.
2. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải lao động
Theo quy định của pháp luật, việc áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải lao động chỉ được áp dụng khi người lao động thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:
- Người lao động trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc;
- Người lao động tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;
- Người lao động có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động (tức là 10 lần mức lương tối thiểu vùng của Chính phủ quy định tại từng thời điểm hoặc nhiều hơn).
- Người lao động đã bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật lao động hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm. Tong đó, tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại đúng hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định. Các hành vi vi phạm khác mặc dù có cùng mức xử phạt với hành vi vi phạm lần đầu của người lao động nhưng vẫn không được xem là hành vi tái phạm.
- Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày làm việc cộng dồn trong 30 ngày lịch hoặc 20 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 365 ngày lịch mà không có lý do chính đáng, kể từ ngày tự ý bỏ việc đầu tiên.
Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng chỉ bao gồm các trường hợp sau:
(i) do thiên tai, hỏa hoạn mà người lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể có mặt để làm việc;
(ii) Bản thân, bố đẻ, mẹ đẻ, mẹ nuôi, cha nuôi, bố vợ, mẹ, vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp, đứa trẻ mà người lao động mang thai hộ đang nuôi theo quy định của pháp luật về hôn nhân & gia đình bị ốm có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;
(iii) Các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động/hợp đồng lao động.
Lưu ý:
- Người sử dụng lao động không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động và chỉ được áp dụng hình thức xử lý cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất khi một người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động.
- Người sử dụng lao động cũng không được phạt tiền hay cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
Xem thêm: Trình tự xử lý kỷ luật lao động
Trên đây là nội dung bài viết về “Áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với người lao động” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với Lawkey để được hỗ trợ tư vấn.