Theo quy định của pháp luật, những trường hợp nào người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội?
Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội được quy định tại Điều 61 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, theo đó: “Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 60 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.”
Như vậy, điều kiện để bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội là người lao động nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng hưu hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
1. Người lao động chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu
Theo quy định tại Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;
- Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;
- Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;
- Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Như vậy, người lao động chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu là người không thuộc một trong các trường hợp nêu trên tức là chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hiểm và chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.
2. Người lao động chưa đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi
Theo quy định tại Điều 55 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động được nghỉ hưu trước tuổi khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và thuộc một trong các trường hợp sau:
- Từ năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi và suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;
- Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Từ những quy định trên, có thể hiểu, người lao động không đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi là người không đáp ứng được các điều kiện nêu trên.
3. Chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Theo quy định tại Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động là công dân Việt Nam thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Người lao động đã đủ tuổi nhưng chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu;
- Ra nước ngoài để định cư;
- Sau 01 năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội (Nghị quyết 93/2015 của Quốc Hội);
- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
- Người phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Như vậy, để hưởng bảo hiểm xã hội một lần, người lao động là công dân Việt Nam phải thuộc một trong các trường hợp nêu trên.
Xem thêm: Hồ sơ, thời hạn giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Từ những điều đã phân tích ở trên, người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Pingback: Hồ sơ đề nghị nghỉ hưu trước tuổi gồm những gì? – Trang pháp luật kinh tế – Luật LawKey