Cán bộ, công chức, viên chức bị tinh giản biên chế sẽ được hưởng các chế độ tùy từng trường hợp theo quy định tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP và Nghị định 113/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
1. Chính sách về hưu trước tuổi
– Cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nam, đủ 45 tuổi đến đủ 48 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, còn được hưởng các chế độ sau:
- Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;
- Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi tối thiểu theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội;
- Được trợ cấp 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội.
Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương.
– Cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế đủ 55 tuổi đến đủ 58 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và
- Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;
- Được trợ cấp 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng đủ BHXH.
Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương.
- Được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi tối thiểu để nghỉ hưu theo quy định của Luật BHXH.
– Cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế thuộc 2 trường hợp sau được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi:
- Trên 53 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nam, trên 48 tuổi đến dưới 50 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
- Trên 53 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên.
2. Chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước
Cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng kinh phí thường xuyên từ ngân sách nhà nước được hưởng các khoản trợ cấp sau:
– Được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng;
– Được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH.
Lưu ý, không áp dụng với các đối tượng sau:
– Những người đã làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập khi đơn vị chuyển đổi sang doanh nghiệp hoặc cổ phần hóa vẫn được giữ lại làm việc;
– Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế đủ 57 tuổi trở lên đối với nam, đủ 52 tuổi trở lên đối với nữ, có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên;
– Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế đủ 52 tuổi trở lên đối với nam, đủ 47 tuổi trở lên đối với nữ, có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ 15 làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
3. Chính sách thôi việc sau khi đi học nghề
Cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế dưới 45 tuổi, có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật nhưng đang đảm nhận các công việc không phù hợp về trình độ đào tạo, chuyên ngành đào tạo, có nguyện vọng thôi việc thì được tạo điều kiện cho đi học nghề trước khi giải quyết thôi việc, tự tìm việc làm mới, được hưởng các chế độ sau:
– Được hưởng nguyên tiền lương tháng hiện hưởng và được cơ quan, đơn vị đóng BHXH, BHYT trong thời gian đi học nghề, nhưng thời gian hưởng tối đa là 06 tháng;
– Được trợ cấp một khoản kinh phí học nghề bằng chi phí cho khóa học nghề tối đa là 06 tháng tiền lương hiện hưởng để đóng cho cơ sở dạy nghề;
– Sau khi kết thúc học nghề được trợ cấp 03 tháng lương hiện hưởng tại thời điểm đi học để tìm việc làm;
– Được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH;
– Trong thời gian đi học nghề được tính thời gian công tác liên tục nhưng không được tính thâm niên để nâng lương hàng năm.
4. Chính sách thôi việc ngay
Cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế, dưới 53 tuổi đối với nam, dưới 48 tuổi đối với nữ và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi hoặc có tuổi đời dưới 58 tuổi đối với nam, dưới 53 tuổi đối với nữ và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP, nếu thôi việc ngay thì được hưởng các khoản trợ cấp sau:
– Được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm;
– Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH.
5. Chính sách đối với những người thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm, bầu cử vào chức vụ khác có phụ cấp chức vụ lãnh đạo mới thấp hơn do sắp xếp tổ chức
Cán bộ, công chức, viên chức do sắp xếp tổ chức thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm, bầu cử vào chức vụ mới có phụ cấp chức vụ lãnh đạo thấp hơn so với phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng đến hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm hoặc hết nhiệm kỳ bầu cử.
Trường hợp đã giữ chức vụ theo thời hạn được bổ nhiệm hoặc nhiệm kỳ bầu cử còn dưới 06 tháng thì được bảo lưu 06 tháng.
Xem thêm: Những đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế
Trên đây là nội dung tổng hợp về “Các chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức bị tinh giản biên chế” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.
Pingback: Đối tượng nào sẽ thuộc diện tinh giản biên chế? - Trang pháp luật kinh tế - Luật LawKey