Khi thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam, các nhà đầu tư có thể tiến hành thông qua các hình thức: Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế; Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC); Đầu tư theo hình thức hợp đồng đối tác công tư (PPP).
1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
Theo quy định của Luật đầu tư năm 2014, các nhà đầu tư bao gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có quyền thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện hoạt động đầu tư.
Riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài, trước khi thành lập tổ chức kinh tế phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật và phải đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ. Cụ thể, Luật đầu tư năm 2014 quy định tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài không bị hạn chế trong tổ chức kinh tế, trừ các trường hợp tổ chức kinh tế là: Công ty niêm yết; công ty đại chúng; tổ chức kinh doanh chứng khoán; các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định pháp luật về chứng khoán; doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác; doanh nghiệp bị hạn chế sở hữu nước ngoài theo quy định của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Việc pháp luật quy định về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài là căn cứ để xác định tổ chức kinh tế thuộc đối tượng nhà đầu tư trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài để áp dụng các điều kiện và thủ tục đầu tư khác nhau. Theo đó, tổ chức kinh tế thuộc một trong các trường hợp sau phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chứckinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC:
- Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;
- Có tổ chức kinh tế sở hữu 51% vốn nước ngoài trở lên nắm giữ 51% vốn điều lệ trở lên;
- Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế sở hữu 51% vốn nước ngoài trở lên cùng nắm giữ 51% vốn điều lệ trở lên.
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc trường hợp nêu trên thì thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
Ngoài việc tuân thủ các điều kiện đầu tư kinh doanh áp dụng chung cho các nhà đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài còn phải tuân thủ một số điều kiện và thủ tục đầu tư riêng. Ví dụ, trước khi thành lập tổ chức kinh tế nhà đầu tư nước ngoài phải xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; không được đầu tư vào một tổ chức kinh tế thuộc lĩnh vực bị hạn chế sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài hoặc vượt quá giới hạn về sở hữu vốn theo quy định tại pháp luật chuyên ngành của Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Như vậy, tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định địa vị pháp lý của tổ chức kinh tế để tiến hành các thủ tục cần thiết khi thành lập và hoạt động đầu tư.
Về loại hình tổ chức kinh tế, nhà đầu tư có thể lựa chọn thành lập tổ chức kinh tế dưới các hình thức chính sau: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên/hai thành viên trở lên; công ty cổ phần; công ty hợp danh; doanh nghiệp tư nhân.
2. Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế Việt Nam
Đầu tư vào doanh nghiệp đã thành lập (doanh nghiệp mục tiêu), thông qua việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp đó, là hình thức thứ hai mà nhà đầu tư có thể lựa chọn để đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, theo Luật đầu tư năm 2014, nhà đầu tư có thể đầu tư vào một doanh nghiệp đã được thành lập thông qua các hình thức sau:
- Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
- Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn;
- Mua cổ phần trong công ty cổ phần từ cổ đông hoặc công ty;
- Mua phần vốn góp của các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn.
Ngoài các hình thức trên, Luật đầu tư cũng đề cập các hình thức khác như góp vốn, mua phần vốn góp trong công ty hợp danh hoặc tổ chức kinh tế khác.
Riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện việc góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức sau:
- Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
- Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
- Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp nêu trên.
Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:
- Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;
- Mua phần vốn góp của các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;
- Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;
- Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp nêu trên.
Tuy nhiên, việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài theo các hình thức trên phải phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Cụ thể, đáp ứng đủ điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ và hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC
Theo quy định của Luật đầu tư năm 2014, Hợp đồng BCC là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế. Bên cạnh đó, pháp luật đầu tư cũng cho phép các nhà đầu tư tham gia hợp đồng BCC được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC.
Chủ thể tham gia hợp đồng BCC bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Dựa vào tính chất chủ thể, hợp đồng BCC được áp dụng quy định pháp luật khác nhau, có thể chia thành ba loại: (i) Hợp đồng BCC ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước; (ii) Hợp đồng BCC ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài và (iii) Hợp
đồng BCC ký kết giữa các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, hợp đồng BCC loại đầu tiên sẽ thực hiện theo quy định pháp luật dân sự, còn hai loại còn lại sẽ thực hiện theo quy định của Luật đầu tư năm 2014 và phải làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận. Đồng thời, Luật đầu tư năm 2014 đã có nhiều điểm quy định mới hỗ trợ hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài khi đã quy định về việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng BCC được thành lập văn phòng điều hành. Theo đó, văn phòng điều hành này sẽ được cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành, có con dấu riêng, được tuyển dụng lao động, ký hợp đồng và tiến hành tất cả các hoạt động kinh doanh trong phạm vi quyền và nghĩa vụ quy định tại hợp đồng BCC và Giấy chứng nhận đăng ký thành lập văn phòng điều hành.
Để thành lập văn phòng điều hành, nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC nộp hồ sơ đăng ký thành lập văn phòng điều hành tại cơ quan đăng ký đầu tư nơi dự kiến đặt văn phòng điều hành.
Hồ sơ đăng ký thành lập văn phòng điều hành bao gồm:
- Văn bản đăng ký thành lập văn phòng điều hành gồm tên và địa chỉ văn phòng đại diện tại Việt Nam (nếu có) của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC; tên, địa chỉ văn phòng điều hành; nội dung, thời hạn, phạm vi hoạt động của văn phòng điều hành; họ, tên, nơi cư trú, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu của người đứng đầu văn phòng điều hành;
- Quyết định của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC về việc thành lập văn phòng điều hành;
- Bản sao quyết định bổ nhiệm người đứng đầu văn phòng điều hành;
- Bản sao hợp đồng BCC.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều này, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành cho nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC.
4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP
Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP là loại hình đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện một dự án đầu tư. Cụ thể, theo quy định tại Điều 3 Nghị định 15/2015/NĐ – CP thì hiện nay pháp luật Việt Nam ghi nhận bảy loại hợp đồng dự án theo hình thức hợp đồng PPP, bao gồm:
(i) Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BOT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
(ii) Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (sau đây gọi tắt là hợp đồng BTO) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định.
(iii) Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất để thực hiện Dự án khác theo các điều kiện quy định của pháp luật.
(iv) Hợp đồng Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh (sau đây gọi tắt là hợp đồng BOO) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư sở hữu và được quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định.
(v) Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ (sau đây gọi tắt là hợp đồng BTL) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư theo các điều kiện quy định của pháp luật.
(vi) Hợp đồng Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BLT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư theo các điều kiện quy định của pháp luật; hết thời hạn cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
(vi) Hợp đồng Kinh doanh – Quản lý (sau đây gọi tắt là hợp đồng O&M) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để kinh doanh một phần hoặc toàn bộ công trình trong một thời hạn nhất định.
Trên đây là nội dung bài viết “Có những hình thức đầu tư nào?” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.