Sau thời gian làm việc và cống hiến, được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo là mong muốn của rất nhiều. Vậy khi nào công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo?Trình tự, thủ tục bổ nhiệm ra sao? Lawkey kính mời bạn đọc cùng tìm hiểu về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.
1. Điều kiện để công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo
Theo quyết định số 27/2003/QĐ-TTg, “Bổ nhiệm” là việc người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cử cán bộ, công chức giữ một chức vụ lãnh đạo có thời hạn trong cơ quan, đơn vị.
Theo quy định tại Điều 51 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định về căn cứ để bổ nhiệm công chức để giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là do:
– Nhu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
– Tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Quy định trên được hướng dẫn thi hành bởi Nghị định 24/2010/NĐ-CP. Theo đó têu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm công chức giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo gồm:
– Đạt tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ, chức danh được bổ nhiệm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, với từng chức danh, chức vụ khác nhau phải căn cứ và đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện khác nhau của từng cơ quan;
– Có đầy đủ hồ sơ cá nhân được cơ quan có thẩm quyền xác minh rõ ràng, có bản kê khai tài sản theo quy định;
– Trong độ tuổi bổ nhiệm theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Quyết định 27/2003/QĐ-TTg: Bổ nhiệm lần đầu không quá 55 tuổi với nam và không quá 50 tuổi với nữ, riêng chức vụ trưởng phòng, phó trưởng phòng quận, huyện thì tuổi bổ nhiệm lần đầu không quá 45 tuổi (cả nam và nữ);
– Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao;
– Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật: Không trong thời gian bị thi hành kỷ luật từ hình thức khiển trách đến cách chức (khoản 5 Điều 6 Quyết định 27/2003/QĐ-TTg)…
Như vậy, để được bổ nhiệm làm quản lý, lãnh đạo, công chức phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên.
Đặc biệt, khoản 2 Điều 51 Luật Cán bộ công chức nêu rõ, thời hạn bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 05 năm, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành và cơ quan có thẩm quyền có quy định khác.
Khi hết thời hạn 05 năm, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải xem xét bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại.
2. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm công chức giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo
Trình tự, thủ tục bổ nhiệm công chức giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo được nêu tại Quyết định 27/2003/QĐ-TTg.
Bước 1: Cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm công chức lãnh đạo trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về chủ trương, số lượng và dự kiến phân công công tác với chức vụ sẽ bổ nhiệm.
Bước 2: Sau khi được cơ quan có thẩm quyền đồng ý, lãnh đạo đơn vị đề xuất nhân sự cụ thể:
Với nhân sự tại chỗ:
– Đề xuất phương án nhân sự căn cứ vào nguồn cán bộ trong quy hoạch hoặc ý kiến giới thiệu công chức trong cơ quan, đơn vị.
– Thảo luận, lựa chọn trên cơ sở đánh giá tín nhiệm của cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị.
– Tổ chức họp lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt cơ quan, đơn vị để trao đổi, thảo luận về yêu cầu, tiêu chuẩn công chức bổ nhiệm; thông báo danh sách công chức được giới thiệu; tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; nhận xét ưu nhược điểm, điểm mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển…
– Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị thảo luận và biểu quyết. Trong đó, người được bổ nhiệm phải được đa số các thành viên trong tập thể lãnh đạo tán thành.
Với nguồn nhân sự từ nơi khác
– Lãnh đạo cơ quan, đơn vị đề xuất nhân sự hoặc cấp có thẩm quyền giới thiệu;
– Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị thảo luận thống nhất cử đại diện gặp công chức được đề nghị bổ nhiệm trao đổi về yêu cầu nhiệm vụ công tác; tìm hiểu và xác minh lý lịch của cán bộ, công chức; trao đổi kết quả làm việc với cơ quan, đơn vị nơi công chức công tác…
– Thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết.
Bước 3: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị ra quyết định bổ nhiệm hoặc đề nghị cấp trên xem xét bổ nhiệm.
Trên đây là nội dung bài viết “Khi nào công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo”. Mọi vướng mắc vui lòng liên hệ 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.