Bộ luật lao động năm 2019 được Quốc Hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 20/11/2019 và bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. So với Bộ luật lao động năm 2012, Bộ luật lao động năm 2019 có nhiều điểm mới quan trọng. 

1. Mở rộng phạm vi và đối tượng áp dụng 

So với Bộ luật lao động năm 2012 (BLLĐ năm 2012), Bộ luật lao động năm 2019 (BLLĐ năm 2019) mở động thêm đối tượng áp dụng là “Người làm việc không có quan hệ lao động” cùng với một số tiêu chuẩn riêng. Theo đó, người làm việc không có quan hệ lao động là người làm việc không trên cơ sở thuê mướn bằng hợp đồng lao động.

BLLĐ năm 2012 chỉ áp dụng đối với người lao động (NLĐ) làm việc trên cơ sở hợp đồng lao động, trong khi đó số lượng NLĐ làm việc trên cơ sở hợp động lao động chỉ chiếm khoảng ⅓ lực lượng lao động của cả nước. Vì vậy, BLLĐ năm 2019 mở rộng thêm đối tượng áp dụng là “Người làm việc không có quan hệ lao động” có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần bảo vệ tốt hơn đối với người lao động nói chung và các nhóm lao động đặc thù, yếu thế nói riêng

Xem thêm: Điểm mới về đối tượng áp dụng theo quy định của BLLĐ năm 2019

2. Tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ

BLLĐ năm 2019 bổ sung quy định nâng tuổi nghỉ hưu đối với nam và nữ nhằm chuẩn bị, ứng phó với quá trình già hóa dân sân, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cũng như nhằm thu hẹp khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ. Cụ thể, Khoản 2 Điều 169 BLLĐ năm 2019 đã quy định tăng tuổi nghỉ hưu chung theo lộ trình chậm, bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, điều chỉnh dần tuổi nghỉ hưu, mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ để tới năm 2028 thì người nam đạt độ tuổi nghỉ hưu là 62, tới năm 2035 người nữ đạt độ tuổi nghỉ hưu là 60.

Riêng đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn không quá 05 năm so với tuổi nghỉ hưu chung. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao thì có thể nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn không quá 5 năm so với tuổi nghỉ hưu chung khi có sức khỏe, có nguyện vọng và người sử dụng lao động có nhu cầu. 

Như vậy, so với BLLĐ năm 2012 thì tuổi nghỉ hưu của người lao động đã tăng lên đáng kể; đồng thời, với những công việc đặc thù thì việc nghỉ hưu trước tuổi cũng được quy định rõ ràng hơn.

Xem thêm: Tuổi nghỉ hưu theo quy định của BLLĐ năm 2019

3. Ngày Quốc khánh (ngày 02 tháng 9 dương lịch) được nghỉ 02 ngày 

Bên cạnh quy định về tăng tuổi nghỉ hưu, BLLĐ năm 2019 còn bổ sung thêm một ngày nghỉ Quốc khánh. Cụ thể, điểm đ khoản 1 Điều 112 BLLĐ 2019 quy định, Quốc khánh nghỉ 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau. 

4. Không còn hợp đồng lao động theo mùa vụ 

Điều 20 BLLĐ 2019 đã bỏ quy định về hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc có thời hạn dưới 12 tháng. Thay vào đó, theo quy định của BLLĐ năm 2019 sẽ chỉ còn hai loại hợp đồng lao động là hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động không xác định thời hạn. 

5. Ghi nhận phương thức giao kết hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử 

Nếu như theo BLLĐ năm 2012, hợp đồng lao động phải được xác lập bằng văn bản trừ trường hợp đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói thì BLLĐ năm 2019 đã ghi nhận hình thức giao kết hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử và có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản. Cụ thể, đoạn 2 khoản 1 Điều 14 BLLĐ năm 2019 quy định: “Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.” Đây được coi là một điểm tiến bộ vô cùng lớn trong thời buổi công nghệ – thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay. 

6. Được ký hợp đồng xác định thời hạn nhiều lần với người lao động cao tuổi

Người lao động cao tuổi là những người có trình độ chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là đối với những công việc yêu cầu trình độ cao. Do đó, để phát huy giá trị của người cao tuổi, Điều 149 BLLĐ năm 2019 cho phép người sử dụng lao động thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn với người cao tuổi thay vì kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới như hiện nay. 

7. Tăng thời giờ làm thêm lên 40 giờ trong 1 tháng 

 Về thời giờ làm việc bình thường của người lao động trong quy định của BLLĐ năm 2019 cũng giống như quy định trong BLLĐ năm 2012 là không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần. Tuy nhiên, thời giờ làm thêm theo quy định của BLLĐ năm 2019 đã có sự thay đổi đáng kể so với quy định tại BLLĐ năm 2012. Cụ thể, Điều 107 BLLĐ 2019 quy định: Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; nếu áp dụng thời giờ làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày; không quá 40 giờ/tháng; không quá 200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ/năm.” 

Như vậy, theo quy định của BLLĐ năm 2019, số giờ làm thêm trong tháng tăng lên 40 giờ thay vì 30 giờ như trong BLLĐ năm 2012.

Xem thêm: Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định của BLLĐ năm 2019

8. Thêm trường hợp nghỉ riêng hưởng nguyên lương

BLLĐ năm 2019 bổ sung thêm trường hợp, cha nuôi, mẹ nuôi chết, người lao động được nghỉ 03 ngày và hưởng nguyên lương. 

9. Người lao động được chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần lý do 

BLLĐ năm 2019 bổ sung thêm trường hợp, người lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần lý do, chỉ cần báo trước 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn và 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Thậm chí người lao động còn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước trong các trường hợp sau đây:

  • Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp người lao động bị chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động. 
  • Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn. 
  • Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, bị cưỡng bức lao động;
  • Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
  • Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định của pháp luật. 
  • Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
  • Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực khi giao kết hợp đồng lao động, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Xem thêm: Chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của BLLĐ năm 2019

10. Người lao động được ủy quyền cho người khác nhận lượng

BLLĐ năm 2019 quy định: “Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.” Trong BLLĐ năm 2012, vấn đề ủy quyền cho người khác nhận lương vẫn chưa được quy định trong Luật. Vì vậy, quy định mới này trong BLLĐ năm 2019 được coi là hợp lý, đặc biệt là trong trường hợp người lao động bị ốm đau, già yếu,…

11. Khi trả lương qua ngân hàng, người sử dụng lao động phải trả phí mở tài khoản 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 94 BLLĐ năm 2012, “Trường hợp trả lương qua tài khoản ngân hàng, thì người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản.” Tuy nhiên, BLLĐ năm 2019 quy định khi trả lương qua tài khoản thì người sử dụng lao động phải trả phí mở tài khoản. Điều này có nghĩa là người sử dụng lao động phải trả khoản phí này mà không được tự do thỏa thuận với người lao động như trong BLLĐ năm 2012.

12. Cấm ép người lao động dùng lương để mua hàng hóa, dịch vụ của công ty

Bộ luật mới quy định người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động. Đặc biệt, không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

13. Người lao động có thể được thưởng không chỉ bằng tiền 

BLLĐ năm 2019 quy định về “Thưởng” thay vì “Tiền thưởng” như trong Bộ luật năm 2012. Theo đó, khái niệm thưởng cho người lao động cũng được mở rộng ra, có thể là tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

14. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào tiền lương của người lao động

Điều 93 BLLĐ năm 2019 quy định, doanh nghiệp được chủ động trong việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận với người lao động. Trong đó, tiền lương trả cho người lao động là số tiền để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

15. Khi trả lương, doanh nghiệp phải gửi bảng kê chi tiết cho người lao động 

Để đảm bảo sự minh bạch về tiền lương của người lao động, BLLĐ năm 2019 yêu cầu mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương người lao động, trong đó ghi rõ: Tiền lương; Tiền lương làm thêm giờ; Tiền lương làm việc vào ban đêm; Nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có)…

16. Đối thoại định kỳ tại nơi làm việc 1 năm/lần

Thay vì tổ chức định kỳ 03 tháng/lần như BLLĐ năm 2012 thì khoản 1 Điều 63 BLLĐ năm 2019 đã nâng thời gian tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc lên 1 năm/lần; đồng thời, bổ sung thêm một số trường hợp người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại như vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc; khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động….

17. BLLĐ năm 2019 bổ sung định nghĩa “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc”

BLLĐ năm 2019 cũng đã bổ sung quy định định nghĩa về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Cụ thể, khoản 9 Điều 3 BLLĐ năm 2019 định nghĩa: “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.” Quy định bổ sung này trong BLLĐ năm 2019 sẽ góp phần bảo vệ được nạn nhân một cách thích đáng, thay đổi về cách tiếp cận để đảm bảo việc làm đối với lao động nữ theo hướng phụ nữ có quyền tiếp cận tất cả các loại hình công việc trên cơ sở bình đẳng với lao động nam.

Trên đây là những điểm mới quan trọng của BLLĐ năm 2019 mà Lawkey muốn gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ với Lawkey để được hỗ trợ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *