Theo quy định của Luật phá sản năm 2014, để tiến hành thủ tục phá sản, trước hết chủ thể có quyền và nghĩa vụ phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trên cơ sở đó, Thẩm phán được phân công, phụ trách tiến hành thủ tục phá sản xem xét và ra quyết định mở thủ tục phá sản. Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã diễn ra như thế nào?

1. Hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản

Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh, nhưng phải chịu sự giám sát của Thẩm phán và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Trường hợp xét thấy người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng điều hành, doanh nghiệp, hợp tác xã có dấu hiệu vi phạm các hoạt động sau đây: Cất giấu, tẩu tán, tặng cho tài sản; Thanh toán khoản nợ không có bảo đảm, trừ khoản nợ không có bảo đảm phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản và trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã;Từ bỏ quyền đòi nợ; Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã thì Thẩm phán ra quyết định thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hợp tác xã đó theo đề nghị của Hội nghị chủ nợ hoặc Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

2. Hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã bị cấm sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản

Luật phá sản 2014 quy định sau khi mở thủ tục phá sản, cấm doanh nghiệp, hợp tác thực hiện các hoạt động sau: 

  • Cất giấu, tẩu tán, tặng cho tài sản;
  • Thanh toán khoản nợ không có bảo đảm, trừ khoản nợ không có bảo đảm phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản và trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã;
  • Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trong trường hợp, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các hoạt động bị cấm ở trên thì các giao dịch đó bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật. 

3. Hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản chịu sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền

Cụ thể theo quy định tại Điều 49 Luật phá sản 2014, sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã phải báo cáo Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản  trước khi thực hiện các hoạt động sau:

  • Hoạt động liên quan đến việc vay, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản; bán, chuyển đổi cổ phần; chuyển quyền sở hữu tài sản;
  • Chấm dứt thực hiện hợp đồng có hiệu lực;
  • Thanh toán khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản; trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã.

Doanh nghiệp, hợp tác xã có thể báo cho quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bằng cách báo cáo trực tiếp, thư bảo đảm, thư, thường, thư điện tử, fax, telex.

Trong trường hợp, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các hoạt động trên mà không có sự đồng ý của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thì bị đình chỉ thực hiện, khôi phục lại tình trạng ban đầu và giải quyết hậu quả theo quy định của pháp luật.

Như vậy, sau khi Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục phá sản, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã phải chịu sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, do đó, có thể bị hạn chế trong việc thực hiện một số hoạt động nhất định.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *