Khôi phục mã số thuế là việc chuyển trạng thái mã số thuế từ trạng thái “ngừng hoạt động” trở về trạng thái “NNT đang hoạt động”. Việc khôi phục mã số thuế thường được gọi dân dã là “mở mã số thuế“. Việc mở lại mã số thuế được hướng dẫn bởi thông tư 95/2016/TT-BTC. 

1. Các trường hợp khôi phục lại mã số thuế 

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Thông tư 95/2016/TT-BTC, các trường hợp được khôi phục lại mã số thuế bao gồm: 

– Người nộp thuế là tổ chức kinh tế hoặc tổ chức khác bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép tương đương, cơ quan thuế đã chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo quy định, nhưng sau đó cơ quan có thẩm quyền có văn bản hủy bỏ văn bản thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép tương đương.

–  Người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh ở tình trạng cơ quan thuế đã ban hành Thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh chưa ban hành Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; cơ quan quản lý nhà nước khác chưa ban hành văn bản thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép tương đương, người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan thuế khôi phục mã số thuế và cam kết thanh toán các nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước, chấp hành việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

– Người nộp thuế là tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh đã có hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế gửi đến cơ quan thuế nhưng chưa được cơ quan thuế ban hành Thông báo người nộp thuế chấm dứt hiệu lực mã số thuế, đề nghị được tiếp tục hoạt động trở lại.

– Cơ quan thuế xác định người nộp thuế không thuộc trường hợp phải chấm dứt hiệu lực mã số thuế do lỗi của cơ quan thuế.

2. Hồ sơ khôi phục mã số thuế 

Hồ sơ đề nghị khôi phục mã số thuế bao gồm: 

– Trường hợp người nộp thuế là tổ chức kinh tế, tổ chức khác đề nghị khôi phục mã số thuế do cơ quan có thẩm quyền có văn bản hủy bỏ văn bản thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép tương đương.

Hồ sơ gồm:

  • Văn bản đề nghị khôi phục mã số thuế mẫu số 25/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư 95/2016/TT-BTC;
  • Bản sao không cần chứng thực văn bản hủy bỏ văn bản thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép tương đương của cơ quan có thẩm quyền.

– Trường hợp người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác và hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh đề nghị khôi phục mã số thuế sau khi cơ quan thuế có Thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký và chưa có Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; văn bản thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép tương đương của cơ quan nhà nước có liên quan.

Hồ sơ gồm: Văn bản đề nghị khôi phục mã số thuế mẫu số 25/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư 95/2016/TT-BTC.

– Trường hợp người nộp thuế là tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh đề nghị khôi phục mã số thuế đã có hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế gửi đến cơ quan thuế nhưng chưa được cơ quan thuế ban hành Thông báo người nộp thuế chấm dứt hiệu lực mã số thuế, người nộp thuế đề nghị được tiếp tục hoạt động trở lại.

Hồ sơ gồm: Văn bản đề nghị khôi phục mã số thuế mẫu số 25/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư 95/2016/TT-BTC.

3. Xử lý khôi phục mã số thuế và trả kết quả

Trình tự, thủ tục xử lý khôi phục mã số thuế và trả kết quả được hướng dẫn bởi Thông tư 95/2016/TT-BTC. 

3.1. Đối với trường hợp huỷ bỏ quyết định thu hồi

Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế nhận được hồ sơ đề nghị khôi phục mã số thuế của người nộp thuế trong trường hợp bị thu hồi mã số thuế hoặc ngay sau khi phát hiện việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế của người nộp thuế sai do lỗi của cơ quan thuế, cơ quan thuế thực hiện:

– Lập Thông báo khôi phục mã số thuế mẫu số 19/TB-ĐKT.

– In lại Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Thông báo mã số thuế cho người nộp thuế trong trường hợp người nộp thuế đã nộp bản gốc cho cơ quan thuế theo hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế.

Cơ quan thuế thực hiện cập nhật trạng thái mã số thuế cho người nộp thuế trên Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế ngay trong ngày làm việc hoặc chậm nhất là đầu giờ ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày ban hành Thông báo khôi phục mã số thuế.

3.2. Đối với trường hợp bỏ trụ sở

Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị khôi phục mã số thuế của người nộp thuế trong trường hợp không hoạt động tại trụ sở, cơ quan thuế lập danh sách các hồ sơ khai thuế còn thiếu, tình hình sử dụng hoá đơn, số tiền thuế còn nợ, số tiền phạt, tiền chậm nộp (nếu có) và thực hiện xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, hoá đơn theo quy định, đồng thời thực hiện xác minh thực tế tại địa chỉ trụ sở kinh doanh của người nộp thuế và lập Biên bản xác minh tình trạng hoạt động của người nộp thuế tại địa chỉ đã đăng ký theo hồ sơ đề nghị khôi phục mã số thuế của người nộp thuế (người nộp thuế phải ký xác nhận vào Biên bản), đồng thời người nộp thuế phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, yêu cầu của cơ quan thuế theo quy định của pháp luật.

Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày người nộp thuế chấp hành đầy đủ các hành vi vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn, nộp đủ số tiền thuế còn nợ, số tiền phạt, tiền chậm nộp (nếu có), cơ quan thuế thực hiện:

– Lập Thông báo khôi phục mã số thuế cho người nộp thuế mẫu số 19/TB-ĐKT;

– In lại Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Thông báo mã số thuế cho người nộp thuế trong trường hợp người nộp thuế đã nộp bản gốc cho cơ quan thuế theo hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế;

– Thông báo khôi phục mã số thuế cho người nộp thuế được gửi người nộp thuế (theo địa chỉ nhận thông báo thuế đã đăng ký; địa chỉ của người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế, chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ tịch hội đồng thành viên của công ty hợp danh; địa chỉ thư điện tử của người nộp thuế đã đăng ký với cơ quan thuế để nộp hồ sơ khai thuế qua mạng – nếu có); cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, Viện Kiểm sát, cơ quan Công an trên địa bàn; cơ quan cấp Giấy phép thành lập và hoạt động ngay trong ngày làm việc hoặc chậm nhất là đầu giờ ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày ban hành Thông báo, đồng thời thực hiện cập nhật trạng thái mã số thuế của người nộp thuế trên Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế.

3.3. Đối với trường hợp nộp hồ sơ đóng mã nhưng chưa hoàn thành và muốn hoạt động trở lại

Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị khôi phục mã số thuế của người nộp thuế trong trường hợp đã có hồ sơ chấm dứt hiệu lực MST nhưng muốn hoạt động trở lại, cơ quan thuế lập danh sách các hồ sơ khai thuế còn thiếu, tình hình sử dụng hoá đơn, số tiền thuế còn nợ, số tiền phạt, tiền chậm nộp (nếu có) và thực hiện xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, hoá đơn theo quy định.

Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày người nộp thuế chấp hành đầy đủ các hành vi vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn, nộp đủ số tiền thuế còn nợ, số tiền phạt, tiền chậm nộp (nếu có), cơ quan thuế thực hiện:

– Lập Thông báo khôi phục mã số thuế cho người nộp thuế mẫu số 19/TB-ĐKT;

– In lại Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Thông báo mã số thuế cho người nộp thuế trong trường hợp người nộp thuế đã nộp bản gốc cho cơ quan thuế theo hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế;

– Cơ quan thuế thực hiện cập nhật trạng thái mã số thuế cho người nộp thuế trên Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế ngay trong ngày làm việc hoặc chậm nhất là đầu giờ ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày ban hành Thông báo khôi phục mã số thuế.

Mã số thuế nộp thay sẽ được tự động khôi phục khi mã số thuế của người nộp thuế được cơ quan thuế cập nhật vào Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế.

Trên đây là nội dung bài viết “Làm như thế nào để khôi phục lại mã số thuế?” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.