Pháp luật quy định như thế nào về tiêu chuẩn, điều kiện để được làm Giám đốc/Tổng giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần? Và liệu rằng, một người có thể làm Giám đốc/Tổng giám đốc nhiều công ty hay không? Trong bài viết dưới đây, Lawkey sẽ giải đáp giúp bạn đọc.
Luật doanh nghiệp là hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động, tổ chức lại, giải thể các loại hình doanh nghiệp. Mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có cơ cấu tổ chức và hoạt động riêng phù hợp với loại hình doanh nghiệp đó và để trở thành Giám đốc, Tổng giám đốc doanh nghiệp, cá nhân cũng phải đáp ứng những tiêu chuẩn và điều kiện cụ thể.
Giám đốc/Tổng giám đốc doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Do đó, để đảm nhiệm chức vụ Giám đốc/Tổng giám đốc, cá nhân phải đáp ứng những tiêu chuẩn, điều kiện do pháp luật quy định. Cụ thể, Điều 65 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để làm Giám đốc/Tổng giám đốc như sau:
– Có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng không được quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Theo đó, các đối tượng không được quản lý doanh nghiệp bao gồm:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
- Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
- Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.
– Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty, nếu Điều lệ công ty không có quy định khác.
Đối với công ty con của công ty có phần vốn góp, cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì ngoài các tiêu chuẩn và điều kiện trên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không được là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty mẹ và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty đó. Đồng thời, Giám đốc/Tổng giám đốc của Doanh nghiệp Nhà nước không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác.
Từ các quy định trên, có thể kết luận rằng, một người có thể làm Giám đốc/Tổng giám đốc nhiều công ty khi đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện mà pháp luật quy định trừ trường hợp người đó là Giám đốc/Tổng giám đốc của Doanh nghiệp Nhà nước.
Trên đây là nội dung bài viết “Một người có thể làm giám đốc/Tổng giám đốc nhiều công ty hay không?” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.
Pingback: Cơ cấu tổ chức quản lý công ty TNHH hai thành viên trở lên – Trang pháp luật kinh tế – Luật LawKey
Pingback: Phụ cấp thuê nhà có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không? - Trang pháp luật kinh tế - Luật LawKey