Tiền lương là nguồn thu nhập, nguồn sống chủ yếu của bản thân và gia đình của người lao động. Vì vậy, không chủ thể nào có quyền tự do khấu trừ tiền lương của người lao động nếu không được pháp luật cho phép, kể cả NSDLĐ là người thuê mướn và trả lương cho NLĐ đó. Vậy theo quy định của pháp luật, NSDLĐ có thể khấu trừ tiền lương của NLĐ trong những trường hợp nào? 

1. Người lao động bị khấu trừ tiền lương trong những trường hợp nào? 

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 101 Bộ luật lao động năm 2012, người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của NSDLĐ theo quy định tại Điều 130 của BLLĐ. 

Cụ thể, Điều 130 BLLĐ năm 2012 quy định hai trường hợp mà NLĐ phải bồi thường thiệt hại vật chất cho NSDLĐ như sau: 

  • Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi gây thiệt hại tài sản của NSDLĐ;
  • Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép. 

Cùng với quy định về các trường hợp bồi thường, pháp luật lao động xác định mức bồi thường, cách bồi thường. Theo đó, tùy thuộc vào tình trạng tài sản, bị hư hỏng hay mất mát mà có mức bồi thường khác nhau. Tuy nhiên, mức bồi thường của người lao động không được vượt quá tổng số giá trị thiệt hại trực tiếp mà họ gây ra. Cụ thể: 

Đối với hành vi người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi gây thiệt hại tài sản của NSDLĐ: Trường hợp này pháp luật không quy định cụ thể hành vi làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, hành vi  khác gây thiệt hại về tài sản của NSDLĐ, không quy định mức bồi thường bao nhiêu, cách bồi thường như thế nào… mà trao quyền này cho NSDLĐ quyết định và quy định trước trong nội quy lao động. 

Riêng trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào tiền lương với mức khấu trừ không quá 30% tiền lương tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Còn mức bồi thường và cách bồi thường trong trường hợp cụ thể do NSDLĐ quy định trong nội quy lao động hoặc quyết định sau khi tiến hành xử lý bồi thường thiệt hại vật chất. 

Đối với hành vi người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của NSDLĐ. Pháp luật quy định có ba trường hợp:

Một là, NLĐ làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của NSDLĐ hoặc tài sản khác do NSDLĐ giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì pháp luật cho phép NSDLĐ được lựa chọn yêu cầu người lao động bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường. Mức và cách thức bồi thường do NSDLĐ quy định trong nội quy lao động. 

Hai là, trường hợp giữa hai bên ký hợp đồng trách nhiệm thì người lao động phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm. Thực chất đây là việc bồi thường thiệt hại về tài sản theo sự cam kết, thực hiện trách nhiệm dân sự. Khi NSDLĐ giao cho NLĐ bảo quản, sử dụng tài sản có giá trị tương đối lớn thì pháp luật lao động cho phép hai bên ký hợp đồng trách nhiệm của người lao động trong việc bảo vệ tài sản của người sử dụng lao động và làm căn cứ bồi thường nếu NLĐ gây thiệt hại. Vì vậy, việc bồi thường thiệt hại này hoàn toàn do các bên thỏa thuận trong hợp đồng trách nhiệm. 

Ba là, Trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn hoặc vì lý do bất khả kháng thì người lao động không phải bồi thường. Quy định này hợp lý bởi trường hợp đó NLĐ không có lỗi và vì thế không có căn cứ để buộc họ phải bồi thường. 

Như vậy, người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của NSDLĐ. Ngoài các trường hợp trên, pháp luật lao động chưa có quy định nào cho phép NSDLĐ khấu trừ các khoản tiền khác vào tiền lương của NLĐ. 

Xem thêm: Quy định mới về mức lương tối thiểu vùng

2. Tiền lương làm căn cứ khấu trừ

Theo quy định tại Điều 26 Nghị định 05/2015/NĐ – CP, tiền lương làm căn cứ khấu trừ là tiền lương thực tế người lao động nhận được hằng tháng sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và nộp thuế thu nhập cá nhân (nếu có) theo quy định.

Trên đây là nội dung bài viết về vấn đề “Những trường hợp nào người lao động bị khấu trừ tiền lương?” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.

One thought on “Người lao động bị khấu trừ lương trong những trường hợp nào?

  1. Pingback: Những trường hợp mà người lao động phải bồi thường cho doanh nghiệp - Trang pháp luật kinh tế - Luật LawKey

Comments are closed.