Trợ cấp thôi việc là loại quyền lợi quan trọng của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động. Trường hợp NLĐ bị điều chuyển công việc do NSDLĐ chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, NSDLĐ có phải trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ hay không? Mức lương nào làm căn cứ chi trả trợ cấp thôi việc? Trong bài viết dưới đây Lawkey sẽ giải đáp giúp bạn. 

1.Chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ khi điều chuyển NLĐ làm công việc khác do NSDLĐ chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản

Theo quy định tại Điều 45 BLLĐ năm 2012 được hướng dẫn bởi Điều 15 Nghị định 05/2015/NĐ – CP, trong trường hợp chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, thì NSDLĐ có các trách nhiệm sau: 

  • Lập phương án sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật lao động; 
  • Tính trả trợ cấp mất việc làm theo quy định cho những NLĐ phải chấm dứt HĐLĐ theo phương án sử dụng lao động được đề cập ở trên; 
  • Đối với NLĐ được tiếp tục sử dụng, họ sẽ được đưa đi đào tạo lại, NLĐ  được chuyển sang làm công việc không trọn thời gian tại doanh nghiệp sau khi chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản theo phương án sử dụng lao động nêu trên, khi chấm dứt HĐLĐ thì NSDLĐ kế tiếp có trách nhiệm tính trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm theo quy định của BLLĐ đối với khoảng thời gian mà NLĐ đã làm việc thực tế cho doanh nghiệp và trợ cấp thôi việc đối với khoảng thời gian mà NLĐ làm việc thực tế tại doanh nghiệp trước khi chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản, kể cả thời gian làm việc tại khu vực nhà nước được tuyển dụng lần cuối vào doanh nghiệp chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản trước ngày 01/01/1995; và
  • Trường hợp NSDLĐ của doanh nghiệp sau khi chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp lại tiếp tục thực hiện chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp thì NSDLĐ trước và sau khi chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản cũng có trách nhiệm thực hiện các trách nhiệm nêu trên. 

Như vậy khi thực hiện việc chuyển quyền sở  hữu hoặc quyền sử dụng tài sản, doanh nghiệp với tư cách là NSDLĐ trước hết phải lập phương án sử dụng lao động. Căn cứ vào đó, nếu NLĐ được điều chuyển làm công việc mới tại doanh nghiệp sau khi chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, HĐLĐ với NSDLĐ trước sẽ chấm dứt và NSDLĐ kế tiếp có trách nhiệm tính trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm theo quy định của BLLĐ đối với thời gian NLĐ làm việc thực tế cho mình và trợ cấp thôi việc đối với thời gian NLĐ làm việc thực tế tại doanh nghiệp trước khi chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản. Nói cách khác, trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho thời gian NLĐ làm việc thực tế cho NSDLĐ trước sẽ được NSDLĐ sau khi chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản kế thừa và thực hiện. 

Bên cạnh đó, cần lưu ý thêm rằng, theo quy định của pháp luật lao động thì NSDLĐ cũ phải thanh toán trợ cấp thôi việc cho người lao động trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. Trong trường hợp chậm thanh toán trợ cấp thôi việc thì NSDLĐ sẽ bị phạt vi phạm hành chính và trả lãi cho số tiền trợ cấp thôi việc chậm chi trả tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt của số tiền trợ cấp thôi việc. 

2. Mức lương làm căn cứ chi trả trợ cấp thôi việc 

Khi NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ, tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 06 tháng liền kề trước khi NLĐ thôi việc hoặc mất việc làm, trong đó bao gồm các khoản sau: 

  • Mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do NSDLĐ xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà NSDLĐ và NLĐ đã thỏa thuận. Đối với NLĐ hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì sử dụng mức lương theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán;
  • Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ mà NLĐ và NSDLĐ đã thỏa thuận; và
  • Các khoản bổ sung mà xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương mà NLĐ và NSDLĐ đã thỏa thuận. 

Trên đây là nội dung bài viết “NLĐ bị điều chuyển công việc do NSDLĐ chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, NSDLĐ có phải trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ  hay không?” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.