Việc xóa kỷ luật lao động chỉ đặt ra đối với các hình thức kỷ luật lao động mà sau đó các bên tiếp tục duy trì quan hệ lao động, không áp dụng đối với người lao động đã bị sa thải. Bộ luật lao động năm 2012 quy định như thế nào về xóa kỷ luật, giảm thời hạn chấp hành kỷ luật lao động?


Theo quy định của pháp luật, việc xóa kỷ luật lao động chỉ áp dụng đối với trường hợp lao động bị khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng. Vì trong hai trường hợp này, về cơ bản, người lao động vi phạm ở mức độ chưa nghiêm trọng, chưa ảnh hưởng lớn đến trật tự, nề nếp trong đơn vị, cần thiết tạo cơ hội cho họ khắc phục, sửa chữa. Nên sau khi được xóa kỷ luật, họ được khôi phục quyền lợi (được nâng lương). 

Trường hợp người lao động bị kỷ luật cách chức tức là người lao động không còn đủ phẩm chất, trình độ, khả năng đảm đương chức vụ được giao, nên không thể khôi phục lại chức vụ cho người lao động sau một thời gian nhất định. Vì thế vấn đề xóa kỷ luật lao động đối với trường hợp này được hiểu là sau thời hạn 3 năm, nếu người lao động tiếp tục vi phạm kỷ luật lao động thì không bị coi là tái phạm để áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn. Còn việc họ có được đảm đương chức vụ nào nữa hay không hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện quy định, sự tín nhiệm của đơn vị và của người sử dụng lao động. 

Riêng trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương thì được giảm thời hạn kỷ luật. Việc giảm thời hạn kỷ luật không đặt ra đối với hình thức khiển trách, bởi vì hình thức khiển trách là hình thức kỷ luật nhẹ, thời hạn kỷ luật ngắn, về cơ bản không ảnh hưởng tới công việc và thu nhập của người lao động.

Điều kiện để được giảm thời hạn chấp hành kỷ luật lao động là: (i) Người lao động đã chấp hành được một nửa thời hạn kỷ luật; (ii) Có sửa chữa tiến bộ. 

Trên đây là nội dung bài viết về vấn đề “Xóa kỷ luật, giảm thời hạn chấp hành kỷ luật lao động” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với Lawkey để được hỗ trợ.