Công chứng di chúc diễn ra khá phổ biến trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, người yêu cầu công chứng di chúc không biết có thể công chứng ở đâu? Thủ tục công chứng diễn ra như thế nào? Trong bài viết dưới đây, Lawkey sẽ giải đáp giúp bạn đọc. 

1. Công chứng di chúc ở đâu?

Điều 57 Luật công chứng năm 2014 quy định về công chứng di chúc như sau: “1. Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc.

2. Trường hợp công chứng viên nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình hoặc có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép thì công chứng viên đề nghị người lập di chúc làm rõ, trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng di chúc đó.

Trường hợp tính mạng người lập di chúc bị đe dọa thì người yêu cầu công chứng không phải xuất trình đầy đủ giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này nhưng phải ghi rõ trong văn bản công chứng.

3. Di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó. Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó.”.

Theo quy định trên thì pháp luật không đặt ra yêu cầu về tổ chức hành nghề công chứng nào được công chứng di chúc mà chỉ quy định “người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng” và không được ủy quyền cho người khác.

Ngoài ra, theo Điều 42 Luật công chứng năm 2014 quy định về phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản như sau: “Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.”

Như vậy, đối với việc công chứng di chúc mà di sản là bất động sản thì pháp luật cũng không yêu cầu phải công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có bất động sản. Do đó, người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng di chúc tại bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng nào.

2. Thủ tục công chứng di chúc

Như đã đề cập ở trên, người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không được ủy quyền cho người khác và có thể yêu cầu công chứng di chúc tại bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng nào.

2.1. Hồ sơ yêu cầu công chứng di chúc 

Người lập di chúc cần chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm những giấy tờ sau đây:

  • Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch (Mẫu số 01/PYC);
  • Dự thảo di chúc (trường hợp tự soạn thảo);
  • Bản sao giấy tờ tuỳ thân;
  • Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, trong trường hợp di chúc liên quan đến tài sản đó;

Các bản sao nêu trên là bản chụp, bản in, bản đánh máy hoặc bản đánh máy vi tính nhưng phải có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải có chứng thực. Khi nộp bản sao thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu.

  • Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có. Bản sao nêu trên là bản chụp, bản in, bản đánh máy hoặc bản đánh máy vi tính nhưng phải có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải có chứng thực. Khi nộp bản sao thì  phải xuất trình bản chính để đối chiếu.

1.2. Thời hạn giải quyết 

Thời hạn giải quyết đối với yêu cầu công chứng di chúc không quá hai (02) ngày làm việc; đối với những yêu cầu công chứng phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá mười (10) ngày làm việc. 

3. Có thể thực hiện chứng thực di chúc hay không? 

Theo quy định tại Điều 635 Bộ luật dân sự 2015 : “Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc.” Ngoài ra, Điểm c Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 cũng quy định: “Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự”.

Như vậy theo các quy định trên thì người lập di chúc có thể lựa chọn công chứng di chúc hoặc chứng thực di chúc

Về thẩm quyền chứng thực di chúc thuộc về Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã). Cụ thể, Điểm e Khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ – CP quy định: “2.Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm:

…..

e) Chứng thực di chúc.”  

Việc chứng thực di chúc cũng không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực. Do đó người lập di chúc có thể yêu cầu chứng thực di chúc tại bất kì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nào trên lãnh thổ Việt Nam.

Người yêu cầu chứng thực nộp một bộ hồ sơ yêu cầu chứng thực, gồm các giấy tờ sau đây:

– Dự thảo di chúc;

– Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng của người yêu cầu chứng thực (xuất trình kèm theo bản chính để đối chiếu);

– Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó; trừ trường hợp người lập di chúc đang bị cái chết đe dọa đến tính mạng (xuất trình kèm theo bản chính để đối chiếu).

Trên đây là nội dung bài viết “Công chứng di chúc theo quy định của Luật công chứng năm 2014” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.