Theo quy định mới nhất, mức hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh nghề nghiệp đối với người lao động là bao nhiêu? Trong bài viết dưới đây, Lawkey sẽ giải đáp giúp bạn đọc.
1. Kinh phí khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động
Nghị định 88/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15/9/2020) quy định về điều kiện và mức hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh cho người lao động (NLĐ) như sau:
1.1. Điều kiện hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động
Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí để khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động khi người lao động có đủ các điều kiện sau đây:
– Có thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ từ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động;
– Đã được phát hiện bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp.
1.2. Mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp
– Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám bệnh nghề nghiệp sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 800 nghìn đồng/người/lần khám.
– Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.
1.3. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp bao gồm:
– Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp theo Mẫu số 05 tại Phụ lục của Nghị định 88/2020/NĐ-CP.
– Bản sao có chứng thực hồ sơ bệnh nghề nghiệp của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp.
– Bản sao chứng từ thanh toán các chi phí khám bệnh nghề nghiệp theo quy định.
2. Kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp cho người lao động
Về điều kiện hỗ trợ và mức hưởng hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp cho người lao động cũng được quy định tại Nghị định 88/2020/NĐ-CP.
2.1. Điều kiện hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp cho người lao động
Người lao động được hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp có đủ các điều kiện sau đây:
– Đã được chẩn đoán bị bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp;
– Đã tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp;
– Có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian làm các nghề, công việc gây bệnh nghề nghiệp.
2.2. Mức hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp
– Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá chữa bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 15 triệu đồng/người.
– Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.
2.3. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp bao gồm:
– Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo Mẫu số 07 tại Phụ lục của Nghị định 88/2020/NĐ-CP.
– Bản sao có chứng thực hồ sơ xác định mắc bệnh nghề nghiệp của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp.
– Bản sao giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi chữa bệnh nghề nghiệp.
– Bản sao chứng từ thanh toán chi phí chữa bệnh nghề nghiệp.
Trên đây là nội dung bài viết “Mức hỗ trợ khám, chữa bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định mới nhất” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.