Người đại diện theo pháp luật bao gồm những ai?Điều kiện để trở thành người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Lawkey kính mới bạn đọc tìm hiều về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.
1. Khái niệm người đại diện theo pháp luật
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ:
- Hợp đồng hoặc giao dịch của doanh nghiệp;
- Đại diện cho doanh nghiệp trong thủ tục tố tụng; và
- Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải được ghi nhận trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đối với Công ty TNHH hai thành viên, Công ty cổ phần, cả trong Điều lệ doanh nghiệp.
2. Người đại diện theo pháp luật bao gồm những ai?
Từ các quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có thể bao gồm: Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh và có thể là (tổng) giám đốc, chủ tịch Hội đồng thành viên, chủ tịch Công ty hoặc chủ tịch Hội đồng quản trị trong công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Quyền đại diện của người đại diện theo pháp luật phát sinh trên cơ sở Pháp luật và Điều lệ công ty.
Luật doanh nghiệp năm 2014 và Bộ luật dân sự năm 2015 cho phép, Công ty TNHH và Công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp có nhiều người đại diện theo pháp luật chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
3. Điều kiện để trở thành người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cần có các điều kiện sau:
3.1. Cư trú tại Việt Nam
Cư trú tại Việt Nam là một yêu cầu quan trọng đối với người đại diện theo pháp luật. Người đại diện theo pháp luật phải cư trú tại Việt Nam. Trong trường hợp công ty TNHH và công ty cổ phần có nhiều người đại diện theo pháp luật thì doanh nghiệp phải đảm bảo có ít nhất một người đại diện theo pháp luật tại Việt Nam. Trong trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam trong nhiệm kỳ của mình và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trong trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.
Khi hết thời hạn ủy quyền mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp vẫn chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì người đại diện theo ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc hoặc cho đến khi chủ sở hữu công ty hoặc cơ quan quản lý doanh nghiệp quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
3.2. Năng lực hành vi dân sự
Người đại diện theo pháp luật phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là điều kiện bắt buộc phải có của người đại diện theo pháp luật. Hiểu một cách đơn giản, người đại diện theo pháp luật phải từ đủ 18 tuổi trở lên và không rơi vào các trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và hạn chế năng lực hành vi dân sự.
4. Người đại diện theo pháp luật mặc nhiên
Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định các trường hợp mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp mà không cần có quyết định của chủ sở hữu hay cơ quan quản lý doanh nghiệp. Đối với công ty TNHH có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giam, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng và tội khác theo quy định của Bộ luật hình sự thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty.
Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, Tòa án có thẩm quyền có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật trong quá trình tố tụng tại Tòa án.
Xem thêm: Thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Trên đây là nội dung bài viết về vấn đề “Người đại diện theo pháp luật” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.