Bộ Luật lao động 2019 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 với nhiều quy định mới về hợp đồng lao động. Theo đó, để bảo vệ tối đa quyền lợi hợp pháp của mình, người lao động cần nắm chắc các vấn đề dưới đây:
1. Các loại hợp đồng lao động
Căn cứ theo Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 thì sẽ có 2 loại hợp đồng lao động sau:
- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn
- Hợp đồng lao động xác định thời hạn, trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt của hợp đồng lao động trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực.
Theo đó, so với quy định tại Bộ luật Lao động 2012 thì hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định đã bị bãi bỏ.
Bên cạnh đó, theo Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 thì những loại hợp đồng mà khi các bên giao kết thoả thuận bằng tên gọi khác nhưng đáp ứng được các điều kiện sau thì vẫn được xác định là hợp đồng lao động:
- Có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương.
- Có sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.
Xem thêm : Các loại hợp đồng lao động theo quy định từ năm 2021
2. Hợp đồng lao động dưới 01 tháng thì không có thời gian thử việc
Điều 26 Bộ luật Lao động 2012 quy định chỉ có đối tượng ký hợp đồng lao động mùa vụ là đương nhiên không phải thử việc. Tuy nhiên, từ năm 2021 sẽ không còn hợp đồng theo mùa vụ. Vậy nên, hợp đồng lao động dưới 01 tháng sẽ không áp dụng thử việc.
Xem thêm: Thời gian thử việc có bắt buộc phải ký hợp đồng thử việc?
3. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do của NLĐ
Điều 37 Bộ luật Lao động 2012 quy định: NLĐ có hợp đòng lao động xác định thời hạn khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bắt buộc phải có 01 trong những lý do được nêu tại Khoản 1 Điều 37 Bộ luật Lao động 2012, đồng thời đáp ứng điều kiện về thời gian báo trước.
Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 lại quy định: NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần lý do chỉ cần đáp ứng điều kiện về thời gian báo trước tại Khoản 1 Điều 35, trừ một số trường hợp không cần báo trước như:
- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp bố trí không đúng theo hợp đồng do người sử dụng lao động gặp khó khăn đột xuất (bị thiên thai, hỏa hoạn, dịch bệnh … theo Điều 29 Bộ luật lao động 2019).
- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp vì NSDLĐ vì lý do bất khả kháng quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
- Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
- Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của bác sĩ quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
- Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Xem thêm: Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong Bộ luật lao động 2019
4. NSDLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước
Người sử dụng lao động cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong 2 trường hợp sau:
- NLĐ không có mặt tại nơi làm việc trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động
- NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên
Trên đây là nội dung bài viết Những điểm mới về hợp đồng lao động mà NLĐ nên biết từ 2021. Nếu có thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Lawkey để được giải đáp.