Bảo hiểm thất nghiệp được xem là phao cứ sinh giải quyết không ít khó khăn cho người lao động, đó là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động được pháp luật quy định như thế nào?

1. Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp 

Theo quy định của pháp luật, trừ người lao động đang hưởng lương hưu và người lao động giúp việc gia đình thì các đối tượng khác bao gồm người lao động là người Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, và người sử dụng lao động sử dụng những người lao động theo các hợp đồng lao động trên phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Nếu người lao động đang làm việc cho nhiều người sử dụng và tất cả các người sử dụng lao động và người lao động đều bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động đầu tiên với người lao động sẽ phải tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động còn người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại sẽ trả khoản tiền tương đương với khoản bảo hiểm thất nghiệp mà người sử dụng đáng lẽ phải đóng cùng lúc với kỳ trả lương cho người lao động.

Nếu người lao động không thuộc đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội, ngoài việc trả lương, người sử dụng lao động còn phải chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

2. Mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm thất nghiệp 

Hằng tháng, người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp với mức 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và đồng thời trích từ tiền lương của người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp một khoản bằng 1% người lao động để đóng cùng một lúc vào Qũy bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh đó, đối với các trường hợp đặc biệt: 

  • Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp; và 
  • Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động và người lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp, tuy nhiên thời gian này sẽ không được tính là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. 

3. Tiền lương tháng của người lao động làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp 

Tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp <= Z

Trong đó:

  • Tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội. Theo quy định tại Điều 89 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 được hướng dẫn bởi Điều 30 Thông tư 59/2015/TT – BLĐTBXH, từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
  • Z= 20 tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động tại thời điểm đóng.

Xem thêm: Bảo hiểm y tế cho người lao động theo quy định của pháp luật 

Mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 

Trên đây là nội dung bài viết về vấn đề “Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với Lawkey để được hỗ trợ tư vấn.