Tham gia bảo hiểm y tế là cách tốt nhất để cộng đồng chia sẻ rủi ro khi ốm đau, bệnh tật. Vậy pháp luật quy định như thế nào về bảo hiểm y tế của người lao động?

1. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc

Theo quy định của pháp luật, người lao động (kể cả người Việt Nam và người lao động là người nước ngoài) làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên, người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương, tiền công và người sử dụng lao động sử dụng những người lao động này phải tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc. 

Nếu người lao động đang làm việc cho nhiều người sử dụng lao động và tất cả các người sử dụng lao động và người lao động đều bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế thì người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động với mức tiền lương cao nhất sẽ phải tham gia đóng bảo hiểm y tế bắt buộc cho người lao động còn người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại sẽ trả khoản tiền lương tương đương với khoản bảo hiểm y tế mà người sử dụng lao động đáng lẽ phải đóng cùng lúc với kỳ trả lương cho người lao động.

Nếu người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc, ngoài việc trả lương, người sử dụng lao động còn phải chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm y tế bắt buộc theo quy định. 

2. Mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm y tế bắt buộc 

Hiện nay, mức đóng hằng tháng của các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc nêu trên là 4,5% tiền lương tháng. Cụ thể, hằng tháng, người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm y tế cho người lao động với mức 3% tiền lương tháng của người lao động và đồng thời trích từ tiền lương của người lao động với mức 1,5% tiền lương tháng để nộp cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm y tế. Đối với người sử dụng lao động không trả lương theo tháng thì bảo hiểm y tế được đóng định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng một lần. 

Đối với các trường hợp đặc biệt khác, pháp luật quy định:

  • Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội thì mức đóng hàng tháng là 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản.
  • Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội thì không phải đóng bảo hiểm y tế của tháng đó nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế.
  • Người lao động trong thời gian bị tam giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật mức đóng hằng tháng là 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà người lao động được hưởng. Nếu cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh.
  • Người lao động trong thời gian được cử đi học tập hoặc công tác tại nước ngoài không phải đóng bảo hiểm y tế. Thời gian này được tính là thời gian tham gia bảo hiểm y tế cho đến ngày có quyết định trở lại làm việc của cơ quan, tổ chức cử đi.
  • Người lao động trong thời gian đi lao động tại nước ngoài cũng không phải đóng bảo hiểm y tế và trong 60 ngày kể từ ngày nhập cảnh về nước nếu tham gia bảo hiểm y tế thì toàn bộ thời gian đi lao động tại nước ngoài và thời gian kể từ khi về nước đến thời điểm tham gia bảo hiểm y tế được tính là thời gian tham gia bảo hiểm y tế liên tục.
  • Người lao động đang trong thời gian làm thủ tục chờ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp theo quy định của Luật việc làm thì mức đóng hằng tháng là 4,5% tiền lương tháng của người lao động. Thời gian này được tính là thời gian tham gia bảo hiểm y tế (nếu người lao động không tham gia bảo hiểm y tế theo các nhóm khác).

3. Tiền lương tháng của người lao động làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế 

Tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế <= Y 

Trong đó: 

  • Tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế = tiền lương tháng ghi trong hợp đồng lao động 

= Mức lương theo công việc hoặc theo chức danh được ghi trong hợp đồng lao động + Các khoản phụ cấp lương + Các khoản bổ sung khác 

  • Y = 20 lần mức lương cơ sở do Chính phủ ban hành tại từng thời điểm. Theo Nghị quyết số 89/2019/QH ngày 12 tháng 11 năm 2019, từ ngày 01/7/2020, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.600.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, căn cứ theo Kết luận  77 – KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid – 19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước. Trước mắt, chưa triển khai điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 0/7/2020. Điều này có nghĩa là từ ngày 01/7/2020, mức lương cơ sở vẫn là 1.490.00 đồng/tháng.

Xem thêm: Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật

Trên đây là nội dung bài viết về vấn đề “Bảo hiểm y tế cho người lao động theo quy định của pháp luật” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với Lawkey để được hỗ trợ tư vấn.

One thought on “Bảo hiểm y tế cho người lao động theo quy định của pháp luật 

  1. Pingback: Pháp luật quy định như thế nào về thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động cao tuổi? - Trang pháp luật kinh tế - Luật LawKey

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *