Chế tài trong hoạt động thương mại là sự gánh chịu hậu quả bất lợi của bên vi phạm hợp đồng trong thương mại.Vậy có những loại chế tài nào?Trong bài viết dưới đây, Lawkey sẽ giải đáp giúp bạn đọc. 

Điều 292 Luật Thương mại năm 2005 quy định về các loại chế tài trong thương mại bao gồm:

– Buộc thực hiện đúng hợp đồng.

– Phạt vi phạm.

– Buộc bồi thường thiệt hại.

– Tạm ngừng thực hiện hợp đồng.

– Đình chỉ thực hiện hợp đồng.

– Huỷ bỏ hợp đồng.

– Các biện pháp khác do các bên thoả thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế.

1. Buộc thực hiện đúng hợp đồng

– Khái niệm chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng

Buộc thực hiện hợp đồng là hình thức chế tài theo đó bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng mua bán phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo yêu cầu của bên bi vi phạm. Cụ thể, Khoản 1 Điều 297 Luật thương mại năm 2005 quy định: “Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh.”

– Căn cứ áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng:

Căn cứ vào Luật Thương mại năm 2005: Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng được áp dụng khi có hành vi vi phạm hợp đồng và có lỗi của bên vi phạm.

Tuy nhiên, kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng vì lý do bất khả kháng có được coi là áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng hay không? Theo đó, trong trường hợp bất khả kháng thì có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Cụ thể, Điều 296 Luật Thương mại năm 2005 quy định như sau: “1. Trong trường hợp bất khả kháng, các bên có thể thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; nếu các bên không có thoả thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả, nhưng không được kéo dài quá các thời hạn sau đây:

a) Năm tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận không quá mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng;

b) Tám tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận trên mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng.

2. Trường hợp kéo dài quá các thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, các bên có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào có quyền yêu cầu bên kia bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp từ chối thực hiện hợp đồng thì trong thời hạn không quá mười ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này bên từ chối phải thông báo cho bên kia biết trước khi bên kia bắt đầu thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng.

4. Việc kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn cố định về giao hàng hoặc hoàn thành dịch vụ.”

Như vậy, những trường hợp bên bị vi phạm và bên vi phạm thỏa thuận gia hạn thực hiện nghĩa vụ hoặc thỏa thuận thay thế nghĩa vụ này bằng nghĩa vụ khác, không được coi là áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng. Trong các trường hợp này, bên bị vi phạm không được quyền yêu cầu bên vi phạm phải thực hiện đúng cam kết.

–  Các biện pháp thực hiện đúng hợp đồng:

Khi áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, bên bị vi phạm có thể lựa chọn hoặc yêu cầu bên bị vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc lựa chọn các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên bị vi phạm phải chịu chi phí phát sinh. Cụ thể, Khoản 2 Điều 297 Luật Thương mại quy định: “Trường hợp bên vi phạm giao thiếu hàng hoặc cung ứng dịch vụ không đúng hợp đồng thì phải giao đủ hàng hoặc cung ứng dịch vụ theo đúng thoả thuận trong hợp đồng. Trường hợp bên vi phạm giao hàng hoá, cung ứng dịch vụ kém chất lượng thì phải loại trừ khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ hoặc giao hàng khác thay thế, cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng. Bên vi phạm không được dùng tiền hoặc hàng khác chủng loại, loại dịch vụ khác để thay thế nếu không được sự chấp thuận của bên bị vi phạm”.

Như vậy, khi bên vi phạm giao thiếu hàng, cung ứng dịch vụ không đúng hợp đồng bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải giao đủ hàng, cung ứng dịch vụ theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu bên vi phạm giao hàng kém chất lượng, cung ứng dịch vụ không đúng hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm loại trừ khuyết tật của hàng hóa, thiếu sót. Trường hợp bên vi phạm giao thiếu hàng hoặc cung ứng dịch vụ không đúng hợp đồng thì phải giao đủ hàng hoặc cung ứng dịch vụ theo đúng thoả thuận trong hợp đồng. Trường hợp bên vi phạm giao hàng hoá, cung ứng dịch vụ kém chất lượng thì phải loại trừ khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ hoặc giao hàng khác thay thế, cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng. Ngoài ra, bên bị vi phạm có thể lựa chọn các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên bị vi phạm phải chịu chi phí phát sinh.

2. Chế tài phạt vi phạm 

– Khái niệm chế tài phạt vi phạm:

Phạt vi phạm hợp đồng là hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng, theo đó bên vi phạm hợp đồng phải trả cho bên bị vi phạm hợp đồng một khoản tiền nhất định do pháp luật quy định hoặc do các bên thỏa thuận theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Điều 300 Luật Thương mại 2005 quy định: “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này.”

– Căn cứ áp dụng chế tài phạt vi phạm hợp đồng:

Theo quy định của Luật thương mại năm 2005, chế tài phạt vi phạm chỉ được áp dụng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận về việc áp dụng chế tài này, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định pháp luật. Nói cách khác, chế tài phạt vi phạm được áp dụng khi xuất hiện hai căn cứ:

  • Có hành vi vi phạm hợp đồng;
  • Tồn tại thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng; 
  • Có lỗi của bên vi phạm hợp đồng.

– Mức phạt vi phạm:

Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp kết quả giám định sai. 

3. Chế tài bồi thường thiệt hại 

– Khái niệm chế tài bồi thường thiệt hại:

 Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm. Trong đó, giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

– Căn cứ áp dụng chế tài bồi thường thiệt mại:

Theo Điều 303 Luật thương mại 2005, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

  • Có hành vi vi phạm hợp đồng;
  • Có thiệt hại thực tế;
  • Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.”

Như vậy, bên có quyền muốn áp dụng chế tài này đối với bên vi phạm thì phải chứng minh bên vi phạm đã có hành vi không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ trong hợp đồng. Bên cạnh đó phải chứng minh được đã có thiệt hại xảy ra trong thực tế, đó là các thiệt hại có thể tính được bằng tiền mà bên vi phạm hợp đồng phải gánh chịu, bao gồm cả thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp. Thiệt hại trực tiếp là những thiệt hại đã xảy ra trên thực tế, có thể tính toán một cách rõ ràng và chính xác.

Hơn nữa, bên bị vi phạm còn phải chứng minh bên có hành vi vi phạm hợp đồng không thuộc các trường hợp miễn trách nhiệm theo Điều 294 Luật thương mại 2005, đó là:

  • Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
  • Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
  • Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
  • Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

Tuy nhiên, bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.

4. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng 

Tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng trong kinh doanh. Khi hợp đồng trong kinh doanh bị tạm ngừng thì hợp đồng vẫn có hiệu lực. Theo quy định tại Điều 308 Luật thương mại 2005: “Tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng;

2. Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng”.

5. Đình chỉ thực hiện hợp đồng

Đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Theo đó, việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thuộc một trong các trường hợp dưới đây được coi là đình chỉ thực hiện hợp đồng: 

  • Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng;
  • Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

Khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng. Và bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. 

6. Hủy bỏ hợp đồng 

Hủy bỏ hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng và làm cho hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Theo quy định của Luật thương mại năm 2005, Hủy bỏ hợp đồng bao gồm hủy bỏ toàn bộ hợp đồng hoặc hủy bỏ một phần hợp đồng. Trong đó:

–  Hủy bỏ toàn bộ hợp đồng là việc bãi bỏ hoàn toàn việc thực hiện tất cả các nghĩa vụ hợp đồng đối với toàn bộ hợp đồng.

– Hủy bỏ một phần hợp đồng là việc bãi bỏ thực hiện một phần nghĩa vụ hợp đồng, các phần còn lại trong hợp đồng vẫn còn hiệu lực.

Trừ trường hợp được miễn trách nhiệm thì chế tài hủy bỏ hợp đồng được áp dụng trong các trường hợp sau đây:  
– Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng;

– Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

Khi một hợp đồng bị hủy bỏ toàn bộ thi hợp đồng đó không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng, trừ thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ sau khi hủy bỏ hợp đồng và về giải quyết tranh chấp.

Các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng; nếu các bên đều có nghĩa vụ hoàn trả thì nghĩa vụ của họ phải được thực hiện đồng thời; trường hợp không thể hoàn trả bằng chính lợi ích đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền.

Bên cạnh đó, bên bị vi phạm cũng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Ngoài các chế tài trên thì còn có các biện pháp khác do các bên thoả thuận nhưng không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế.

Trên đây là nội dung tổng hợp về “Các loại chế tài trong thương mại” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miến phí.