Khi hợp đồng lao động chấm dứt, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, trường hợp nào được chi trả trợ cấp thôi việc, trường hợp nào được chi trả trợ cấp mất việc làm? Trong bài viết dưới đây, Lawkey sẽ giải đáp giúp bạn đọc. 

1. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động được hưởng trợ cấp thôi việc 

Theo quy định tại Điều 48 Bộ luật lao động năm 2012 được hướng dẫn thi hành bởi Khoản 1 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ – CP, khi hợp đồng lao động chấm dứt trong các trường hợp sau đây thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên:

  • Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ.
  • Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
  • Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
  • Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.
  • Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
  • Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
  • Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này.
  • Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì các lý do sau: (i) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; (ii) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục; (iii)  Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc; (iv) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Từ những quy định trên cũng có thể rút ra những trường hợp không được hưởng trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động:

  • Người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ.
  • Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu.
  • Người lao động bị xử lý kỷ luật lao động sa thải.

Như vậy, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc

Khoản 5 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ – CP quy định, Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc trước đó (nếu có). Trong đó:

  • Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thời gian nghỉ hàng tuần, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo quy định của Bộ luật lao động; thời gian nghỉ việc để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của Bộ luật lao động.
  • Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, thời gian được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm thất nghiệp;
  • Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 48 Bộ luật lao động năm 2012, Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

4. Mức hưởng trợ cấp thôi việc

Từ những điều đã phân tích ở trên, có thể rút ra mức hưởng trợ cấp thôi việc mà người lao động được chi trả như  sau:

Tiền trợ cấp thôi việc= 1/2 x Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc  x Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc. 

Ví dụ minh họa:  Ông Nguyễn Văn A ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với công ty B từ ngày 01/03/2007 và tham gia bảo hiểm xã hội ,vì lý do sức khỏe nên ông A và công ty thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động từ 01/11/2017. Mức bình quân tiền lương theo hợp đồng lao động 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của ông A là 7.000.000 đồng

Thời gian làm việc tại công ty B của ông A là: 10 năm 8 tháng

Thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp là: 8 năm 10 tháng (Luật Bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực đơn vị đóng bảo hiểm thất nghiệp cho ông Nguyễn Văn A từ 01/01/2009 đến 31/10/2017).

  • Thời gian làm việc tính hưởng trợ cấp thôi việc là: 1 năm 10 tháng và  được làm tròn thành 2 năm
  • Mức hưởng trợ cấp thôi =  ½ x 7.000.000 x 2 = 7.000.000 đồng

Trên đây là nội dung bài viết “Các trường hợp người lao động được chi trả trợ cấp thôi việc” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *