Người lao động bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp sẽ được hưởng trợ cấp theo quy định của pháp luật. Vậy chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được pháp luật quy định như thế nào?
1. Chế độ trợ cấp một lần
Theo quy định tại Điều 46 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. Như vậy, đối tượng áp dụng chế độ trợ cấp một lần là người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30%.
Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:
(i) Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở. Theo Nghị quyết số 89/2019/QH ngày 12 tháng 11 năm 2019, từ ngày 01/7/2020, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.600.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, căn cứ theo Kết luận 77 – KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid – 19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước. Trước mắt, chưa triển khai điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 0/7/2020. Điều này có nghĩa là từ ngày 01/7/2020, mức lương cơ sở vẫn là 1.490.00 đồng/tháng.
(ii) Ngoài mức trợ cấp ở (i), người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
2. Trợ cấp hằng tháng
Theo quy định tại Điều 47 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, đối tượng áp dụng chế độ trợ cấp hằng tháng là người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.
Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:
(i) Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;
(ii) Ngoài mức trợ cấp ở (i), hằng tháng người lao động còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
3. Trợ cấp phục vụ
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng trợ cấp hằng tháng, hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở. Mức hưởng hằng tháng đối với người lao động trong trường hợp này là 1.490.000 đồng/tháng.
4. Thời điểm hưởng trợ cấp
Thời điểm hưởng trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ được tính từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện.
Trường hợp thương tật hoặc bệnh tật tái phát, người lao động được đi giám định lại mức suy giảm khả năng lao động thì thời điểm hưởng trợ cấp mới được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.
Trên đây là nội dung bài viết về vấn đề “Chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với Lawkey để được hỗ trợ.