Mức hưởng và thủ tục hưởng chế độ thai sản đối với người lao động mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ được pháp luật quy định như thế nào? 

1. Mức hưởng chế độ thai sản đối với người lao động mang thai hộ 

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 115/2015/NĐ – CP và Điều 39 Luật bảo hiểm năm 2014, mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữmang thai hộ được thực hiện như sau:

(i) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;

(ii) Mức hưởng một ngày đối với người lao động nữ mang thai hộ đi khám thai và lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội mà người vợ mang thai hộ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì mức hưởng chế độ thai sản được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;

(iii) Mức hưởng chế độ khi sinh con được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại (i), trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.

Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ. 

Trường hợp lao động nữ mang thai hộ đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ nghỉ việc để đi khám thai và lao động nữ mang thai hộ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

2. Mức hưởng chế độ thai sản đối với người mẹ nhờ mẹ mang thai hộ 

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 115/2015/NĐ – CP và Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, mức hưởng chế độ thai sản của người lao động mang thai hộ được thực hiện như sau:  Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;

Mức hưởng chế độ thai sản đối với người mẹ nhờ mang thai hộ được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ.

3. Thủ tục hưởng chế độ thai sản của người lao động mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ 

Người lao động thuộc diện hưởng chế độ thai sản phải chuẩn bị hồ bao gồm các giấy tờ theo quy định của pháp luật.

(i) Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ khi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, bao gồm:

  • Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp điều trị ngoại trú, bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú;
  • Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập.

(ii) Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ khi sinh con, bao gồm:

  • Bản sao bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định của pháp luật; văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ;
  • Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
  • Danh sách người lao động hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập;
  • Trường hợp con chết mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì có thêm bản sao giấy chứng tử của con;
  • Trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì có thêm trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ;
  • Trong trường hợp sau khi sinh con mà lao động nữ mang thai hộ chết thì có thêm bản sao giấy chứng tử của lao động nữ mang thai hộ;
  • Trong trường hợp lao động nữ mang thai hộ khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì có thêm giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

(iii) Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với người mẹ nhờ mang thai hộ khi lao động nữ mang thai hộ sinh con, bao gồm:

  • Bản sao bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ;
  • Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
  • Danh sách người lao động hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập;
  • Trong trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ chết thì có thêm bản sao giấy chứng tử;
  • Trong trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con thì có thêm giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;
  • Trong trường hợp con chưa đủ 06 tháng tuổi bị chết thì có thêm bản sao giấy chứng tử của con.

(v) Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với người chồng khi lao động nữ mang thai hộ sinh con bao gồm:

  •  Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con;
  • Giấy xác nhận của cơ sở y tế đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.

4. Thời hạn giải quyết hưởng chế độ thai sản 

(i) Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động. 

Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ theo quy định của pháp luật và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

(ii) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Lưu ý: 

  • Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
  • Nếu vượt quá thời hạn giải hạn giải quyết thì phải giải trình bằng văn bản.
  • Trường hợp nộp hồ sơ và giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội chậm so với thời hạn quy định, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người hưởng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do lỗi của người lao động hoặc thân nhân của người lao động thuộc đối tượng được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Xem thêm: Thời gian hưởng chế độ thai sản của người lao động mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ

Trên đây là nội dung bài viết về vấn đề “Mức hưởng và thủ tục hưởng đối với người lao động mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với Lawkey để được hỗ trợ.

One thought on “Mức hưởng và thủ tục hưởng chế độ thai sản đối với người lao động mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ

  1. Pingback: Nghỉ việc để dưỡng thai có được hưởng chế độ thai sản? - Trang pháp luật kinh tế - Luật LawKey

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *