Theo quy định của pháp luật lao động, khi chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên. Vậy người lao động là người nước ngoài có được hưởng trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động không?

1. Trợ cấp thôi việc của người lao động là người nước ngoài

Theo quy định của pháp luật, đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Lao động năm 2012 bao gồm những đối tượng sau đây: (i) Người lao động Việt Nam, người học nghề, tập nghề và người lao động khác được quy định tại Bộ luật Lao động; (ii) Người sử dụng lao động; (iii) Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; và (iv) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

Vì vậy, về mặt nguyên tắc, các điều khoản được quy định tại Bộ luật Lao động bao gồm cả quy định về trợ cấp thôi việc cũng sẽ được áp dụng đối với những người lao động là người nước ngoài khi làm việc cho những người sử dụng lao động tại Việt Nam. Theo đó, người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam dưới hình thức ký kết hợp đồng lao động, khi chấm dứt hợp đồng lao động thuộc các trường hợp được pháp luật quy định (trừ trường hợp chấm dứt do người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải), người sử dụng lao động tại Việt Nam vẫn có trách nhiệm trả các khoản trợ cấp thôi việc nếu người lao động là người nước ngoài đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên cho người sử dụng lao động, mỗi năm làm việc được trợ cấp nửa tháng tiền lương.

 Luật Việc làm có quy định là người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và nhu cầu làm việc thì khi làm việc theo hợp đồng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Trường hợp người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, người lao động có tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ được Quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trả khi bị mất việc làm.

Trong trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp như người lao động là người nước ngoài hoặc có thời gian làm việc mà không đóng bảo hiểm thất nghiệp thì được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc với mức trợ cấp theo quy định của Bộ luật Lao động tương ứng cho khoảng thời gian không đóng bảo hiểm thất nghiệp.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc

Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

Theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ – CP được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ – CP thì thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, thời gian được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm thất nghiệp;

Hiện nay, việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc chỉ áp dụng đối với các đối tượng người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc. Các đối tượng là người lao động là người nước ngoài sẽ không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, mặc dù được loại bỏ nghĩa vụ đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng vào mỗi kỳ trả lương cho người lao động là người nước ngoài, người sử dụng lao động vẫn phải chi trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định cho người lao động là người nước ngoài.

Như vậy, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc đối với người lao động là người nước ngoài sẽ là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi: (i) thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc (nếu có); và (ii) thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Qua những phân tích pháp lý nói trên, người lao động là người nước ngoài sẽ được chi trả trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động nếu người lao động đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

  • Chấm dứt hợp đồng lao động không thuộc trường hợp bị xử lý kỷ luật sa thải theo nội quy lao động;
  • Đã ký kết hợp đồng lao động và có thời gian làm việc liên tục từ đủ 12 tháng trở lên cho người sử dụng lao động; và
  • Không được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc và các khoản tiền tương đương mức đóng bảo hiểm thất nghiệp trong quá trình làm việc trước khi chấm dứt hợp đồng lao động. 

Như vậy, nếu người lao động là người nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng trợ cấp thôi việc nhưng đã được chi trả một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp trong quá trình làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động thì cách tính thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc đối với người lao động là người nước ngoài sẽ được áp dụng tương tự như cách tính đối với người lao động Việt Nam. Ngược lại, nếu người lao động là người nước ngoài đáp ứng đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thôi việc và trong suốt quá trình làm việc người lao động là người nước ngoài không được người sử dụng lao động chi trả các khoản tiền tương đương mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đối với khoảng thời gian này.

Trên đây là nội dung tư vấn “Người lao động là người nước ngoài có được hưởng trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động không?” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với Lawkey để được hỗ trợ tư vấn miễn phí. 

One thought on “Người lao động là người nước ngoài có được hưởng trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động không?

  1. Pingback: Người lao động là người nước ngoài có phải đóng thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam không? - Trang pháp luật kinh tế - Luật LawKey

Comments are closed.