Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp có thể chấm dứt tồn tại (hoặc buộc phải chấm dứt tổn tại) trong các trường hợp sau đây: Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chia, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp; giải thể; phá sản. 

1. Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp

Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp là việc doanh nghiệp chuyển từ loại hình doanh nghiệp này sang một loại hình doanh nghiệp khác để phù hợp hơn với quy mô và định hướng phát triển kinh doanh của công ty.

Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp có thể do chủ sở hữu tự nguyện hoặc bắt buộc phải chuyển đổi theo quy định của pháp luật. Theo đó, doanh nghiệp bắt buộc phải tiến hành chuyển đổi loại hình doanh nghiệp khác nếu doanh nghiệp không đủ số lượng thành viên tối thiểu mà pháp luật quy định. Nếu không tiến hành chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ buộc phải giải thể. 

Luật doanh nghiệp 2014 quy định về các hình thức chuyển đổi loại hình doanh nghiệp bao gồm:

  • Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và ngược lại. 
  • Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc hai thành viên trở lên và ngược lại. 
  • Chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc hai thành viên trở lên. Trong trường hợp này, Luật doanh nghiệp 2014 quy định, sau khi chuyển đổi chủ doanh nghiệp tư nhân phải là chủ sở hữu công ty hoặc thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn. 

Như vậy, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp dẫn đến chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp về mặt pháp lý. Tuy nhiên trên thực tế, doanh nghiệp đó vẫn hoạt động nhưng dưới một hình thức khác. Do đó, các khoản nợ, nghĩa vụ cũng như quyền lợi của doanh nghiệp đều sẽ chuyển sang cho doanh nghiệp mới.

Xem thêm: Trình tự tiến hành thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp

2. Chia, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp

Chia, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp đều là những hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, dẫn đến chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp. 

2.1 Chia doanh nghiệp

Luật doanh nghiệp 2014 không quy định cụ thể về định nghĩa “Chia doanh nghiệp” tuy nhiên, chia doanh nghiệp có thể được hiểu như sau: Chia doanh nghiệp là hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, theo đó công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể chia các cổ đông, thành viên và tài sản công ty để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới.

Sau khi công ty mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty bị chia sẽ chấm dứt tồn tại. 

2.2 Hợp nhất doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 194 Luật doanh nghiệp 2014: “Hai hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một công ty mới (sau đây gọi là công ty hợp nhất), đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất.”

Như vậy, hợp nhất doanh nghiệp áp dụng đối với mọi loại hình doanh nghiệp bao gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần. Sau khi hợp nhất doanh nghiệp, công ty bị hợp nhất sẽ chấm dứt tồn tại. 

2.3 Sáp nhập doanh nghiệp

Điều 195 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.”

Cũng giống như hợp nhất doanh nghiệp, sáp nhập doanh nghiệp được áp dụng đối với mọi loại hình doanh nghiệp bao gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần. Sau khi sáp nhập, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại. 

Từ những quy định trên, người đọc khó có thể phân biệt được sự khác nhau giữa hợp nhất và sáp nhập doanh nghiệp. Về bản chất, hợp nhất doanh nghiệp là việc góp chung tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích để thành lập công ty mới – công ty được hợp nhất và chấm dứt sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất. Còn về sáp nhập doanh nghiệp là chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang cho công ty nhận sáp nhập, chấm dứt sự tồn tại của các công ty bị sáp nhập và giữ nguyên sự tồn tại của công ty nhận sáp nhập.

3. Doanh nghiệp chấm dứt tồn tại khi doanh nghiệp giải thể 

Giải thể doanh nghiệp là việc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp theo ý chí của chủ doanh nghiệp hoặc Cơ quan đăng ký doanh nghiệp . Tuy nhiên, với điều kiện doanh nghiệp đó phải đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.  

3.1 Các trường hợp doanh nghiệp phải tiến hành giải thể

Theo quy định tại khoản 1 điều 201 Luật doanh nghiệp 2014 thì doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau đây: 

Thứ nhất, Doanh nghiệp kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn. Thời hạn hoạt động của doanh nghiệp có thể do thỏa thuận của các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc do sự cấp phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Thứ hai, Theo quyết định của chủ sở hữu doanh nghiệp

Cụ thể: Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần.

Có thể thấy, trong trường hợp này, quyết định giải thể bắt nguồn từ sự tự nguyện và chủ động của chủ sở hữu doanh nghiệp. Việc giải thể có thể do lợi nhuận thấp, thua lỗ kéo dài… nên chủ sở hữu doanh nghiệp lựa chọn giải thể để thu hồi vốn hoặc để chuyển sang loại hình kinh doanh khác.

Thứ ba, Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014 trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Theo đó, khi không đủ số lượng thành viên tối thiểu, công ty phải bổ sung thêm thành viên cho đủ số lượng tối thiểu. Nếu trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không bổ sung đủ thành viên hoặc không chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp khác thì phải tiến hành giải thể doanh nghiệp.

Thứ tư, Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Theo quy định tại Khoản 12 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014: “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản hoặc bản điện tử mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp.”

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được cấp cho các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Do đó, việc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng có nghĩa là Nhà nước không công nhận tư cách pháp lý của doanh nghiệp. Vì vậy, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực, doanh nghiệp phải triệu tập họp để quyết định giải thể. 

3.2 Điều kiện giải thể doanh nghiệp

Như đã đề cập ở trên, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.

4. Doanh nghiệp chấm dứt tồn tại khi doanh nghiệp bị phá sản 

Khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014 quy định: “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.”  

Phá sản là một thủ tục tư pháp được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản. Mục đích là nhằm giải quyết tình trạng không thể thanh toán các khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp. Theo đó, để tiến hành thủ tục phá sản, chủ thể (có quyền, nghĩa vụ) phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là doanh nghiệp mất khả năng thanh toán sẽ chấm dứt tồn tại ngay lập tức.

Nếu Hội nghị chủ nợ đồng ý thì doanh nghiệp mất khả năng thanh toán sẽ được xem xét áp dụng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Thời hạn để thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán sẽ theo Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Trong trường hợp Hội nghị chủ nợ không xác định được thì thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh là không quá 03 năm kể từ ngày Hội nghị chủ nợ thông qua phương án này.

Hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp vẫn mất khả năng thành toán thì Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản và chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp đó. 

Xem thêm: Trình tự tiến hành thủ tục phá sản

Trên đây là các trường hợp doanh nghiệp chấm dứt tồn tại theo quy định của pháp luật. Để tránh những rủi ro có thể xảy ra, đặt ra yêu cầu chủ sở hữu doanh nghiệp phải nắm được những kiến thức cơ bản về các trường hợp doanh nghiệp chấm dứt tồn tại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *