Theo quy định của Luật phá sản năm 2014, Hội nghị chủ nợ là thủ tục bắt buộc trong phá sản. Việc tổ chức Hội nghị chủ nợ chính là cơ sở để đề ra phương án phục hồi kinh doanh hoặc tuyên bố phá sản. 

1. Hội nghị chủ nợ là gì?

Hội nghị chủ nợ được hiểu là cuộc họp của các chủ nợ do Thẩm phán triệu tập và chủ trì để thảo luận và quyết định các vấn đề liên quan đến việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

2. Điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ

Điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ được quy định tại Điều 65 Luật phá sản năm 2014, theo đó Hội nghị chủ nợ chỉ hợp lệ khi đáp ứng đầy đủ điều kiện sau:

  • Thứ nhất, quá nửa số chủ nợ không có bảo đảm đại diện cho từ hai phần ba tổng số nợ không có bảo đảm trở lên tham gia.
  • Thứ hai, có sự tham gia của người có nghĩa vụ tham gia Hội nghị chủ nợ.

Hội nghị chủ nợ do Thẩm phán được phân công giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp triệu tập và chủ trì. 

Nếu Hội nghị chủ nợ lần I không đạt yêu cầu, Thẩm phán ra quyết định hoãn hội nghị chủ nợ.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hoãn Hội nghị chủ nợ, Thẩm phán ra quyết định triệu tập hội nghị chủ nợ lần II:

  • Nếu điều kiện hợp lệ của hội nghị chủ nợ vẫn không đáp ứng được yêu cầu trên, thì Thẩm phán lập biên bản và quyết định tuyên bố phá sản.
  • Nếu hội nghị đáp ứng được Điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ thì hội nghị chủ nợ có thể đưa ra các nghị quyết sau: (i) Để doanh nghiệp, hợp tác xã phục hồi sản xuất kinh doanh; (ii) Tiến hành thủ tục phá sản.

Nếu sau hai lần triệu tập mà vẫn không hợp lệ theo các điều kiện luật định thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản.

Trường hợp Hội nghị chủ nợ không thông qua được Nghị quyết thì Tòa án nhân dân tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

3. Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ 

Theo quy định của Luật phá sản năm 2014, Hội nghị chủ nợ có quyền đưa ra Nghị quyết trong đó có một trong các kết luận sau:

a) Đề nghị đình chỉ giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 86 của Luật này;

b) Đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã;

c) Đề nghị tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trong Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ phải chứa đựng các nội dung chủ yếu sau:

a) Ngày, tháng, năm;

b) Tên Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản;

c) Tên, địa chỉ của người yêu cầu mở thủ tục phá sản;

d) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản;

đ) Tên, địa chỉ của người có liên quan;

e) Ý kiến của người tham gia Hội nghị chủ nợ;

g) Ý kiến của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản về yêu cầu của người tham gia Hội nghị chủ nợ;

h) Kết luận Hội nghị chủ nợ, kết quả biểu quyết.

Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ có chữ ký của Thẩm phán, Quản tài viên, đại diện doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và thông báo trước Hội nghị chủ nợ. Trong trường hợp, nếu Hội nghị chủ nợ không thông qua được Nghị quyết thì Tòa án nhân dân tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức Hội nghị chủ nợ, Tòa án nhân dân gửi Nghị quyết Hội nghị chủ nợ cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và người có quyền, nghĩa vụ tham gia Hội nghị chủ nợ theo quy định của Luật phá sản năm 2014.

Như vậy, Hội nghị chủ nợ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Nếu Nghị quyết của Hội nghị đồng ý, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có thể thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc bị tuyên bố phá sản.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *