So với Bộ luật lao động năm 2012 (BLLĐ năm 2012) thì đối tượng áp dụng trong Bộ luật lao động năm 2019 (BLLĐ năm 2019) được mở rộng hơn. Cụ thể, BLLĐ năm 2019 bổ sung thêm đối tượng áp dụng là người làm việc không có quan hệ lao động. Nội dung bài viết dưới dây, Lawkey xin gửi tới bạn đọc điểm mới về đối tượng áp dụng theo quy định của BLLĐ năm 2019.
Trong BLLĐ năm 2012, cụm từ “người lao động khác” được ghi nhận như là một chủ thể độc lập khỏi “người lao động” hay “người học nghề, tập nghề”, nhưng cụm từ “người lao động” vẫn bị giới hạn bởi cách giải thích thuật ngữ “Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động,…”
Áp dụng cách hiểu trên, người lao động khác vẫn là người lao động trên cơ sở hợp động lao động. Nói cách khác, hợp đồng lao động (thể hiện quan hệ lao động) là yếu tố tiên quyết để một cá nhân trở thành chủ thể được bảo vệ bởi BLLĐ năm 2012. Nếu như vậy, những người lao động không có quan hệ hợp đồng lao động sẽ không được bảo vệ theo quy định của BLLĐ năm 2012. Trong khi đó, người lao động làm việc trên cơ sở hợp đồng lao động chỉ chiếm khoảng 1/3 lực lượng lao động của cả nước.
Nhằm khắc phục hạn chế của BLLĐ năm 2012, BLLĐ năm 2019 đã thay đổi cụm từ “người lao động khác” bằng cụm từ “người làm việc không có quan hệ lao động”. Theo đó, người làm việc không có quan hệ lao động là người làm việc không trên cơ sở thuê mướn bằng hợp đồng lao động.
“Người lao động” và “người làm việc không có quan hệ lao động” đều tham gia vào hoạt động “làm việc”. Tuy nhiên, giữa hai chủ thể này có sự khác biệt đó là chỉ người lao động mới có hợp đồng lao động và chịu sự “quản lý, giám sát của người sử dụng lao động”. Dù không có hợp đồng lao động nhưng người làm việc không có quan hệ lao động vẫn thuộc đối tượng áp dụng của BLLĐ năm 2019, do đó, được pháp luật lao động bảo vệ.
Mở rộng đối tượng áp dụng của BLLĐ năm 2019 là nội dung rất quan trọng. Đây là lần đầu tiên các tiêu chí truyền thống trong việc xác định đối tượng áp dụng của pháp luật lao động, bao gồm hợp đồng lao động, sự phụ thuộc về mặt pháp lý của người lao động vào người sử dụng lao động không còn là yếu tố bắt buộc để trở thành chủ thể của pháp luật lao động. Bên cạnh nhóm người lao động truyền thống, người làm việc không đáp ứng các tiêu chí truyền thống vẫn được bảo vệ bởi pháp luật lao động.
Trên đây là điểm mới của BLLĐ năm 2019 về đối tượng áp dụng mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Nếu có thêm bất kỳ thắc mắc nào về các vấn đề pháp lý liên quan, vui lòng liên hệ với Lawkey để được hỗ trợ.