Đối tượng áp dụng là sự cụ thể hóa các chủ thể do Bộ luật lao động xác định, cùng với phạm vi áp dụng, đối tượng áp dụng chỉ rõ đối tượng nào được quyền, có nghĩa vụ áp dụng, khắc phục được tình trạng nhầm lẫn, chồng lấn phạm vi áp dụng của Bộ luật lao động.
Đối tượng áp dụng của Bộ luật lao động năm 2012 (BLLĐ năm 2012) được quy định tại Điều 2 bao gồm các đối tượng sau:
1. Người lao động Việt Nam
Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012, người lao động Việt Nam là:
- Người lao động Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động; và
- Người lao động phải có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của NSDLĐ.
2. Người học nghề, tập nghề
Người lao động lựa chọn học nghề, tập nghề tại nơi làm việc theo nhu cầu việc làm của mình. Người học nghề, tập nghề được NSDLĐ tuyển vào vừa học nghề, tập nghề vừa làm việc cho mình.
Người học nghề, tập nghề phải đủ 14 tuổi và phải có đủ sức khỏe phù hợp với yêu cầu của nghề.
Xem thêm: Những lưu ý đối với doanh nghiệp đào tạo nghề cho người học nghề, tập nghề
3. Người sử dụng lao động
Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; nếu là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
4. Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam là đối tượng áp dụng của BLLĐ năm 2012 nếu người lao động làm việc theo các hình thức được quy định tại Điều 2.1 Nghị định 11/2016/NĐ – CP ngày 03/02/2016.
Cụ thể, người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng của BLLĐ năm 2012 khi là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo các hình thức sau đây:
a) Thực hiện hợp đồng lao động;
b) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp;
c) Thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế;
d) Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng;
e) Chào bán dịch vụ;
f) Làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;
g) Tình nguyện viên;
h) Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại;
i) Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật.
Điểm i Khoản 1 Điều này được bổ sung bởi khoản 1 Điều 11 Nghị định 140/2018/NĐ – CP. Tức là người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, ngoài làm việc dưới hình thức là “Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật” thì “Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được phép làm việc tại Việt Nam theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm thành viên.” cũng là đối tượng áp dụng của BLLĐ năm 2012.
k) Tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam.
5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động
Cơ quan, cá nhân có trách nhiệm quản lý nhà nước về lao động như: Sở lao động thương binh và xã hội, Bộ lao động thương binh và xã hội, Tòa án nhân dân các cấp; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh … và các cơ quan, tổ chức khác.
Xem thêm: Đối tượng áp dụng của Bộ luật lao động năm 2019
Trên đây là nội dung bài viết về “đối tượng áp dụng của Bộ luật lao động năm 2012” mà Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thêm bất kỳ thắc mắc nào về các vấn đề pháp lý liên qua, vui lòng liên hệ với Lawkey để được hỗ trợ.