Khi làm việc tại các doanh nghiệp, người lao động có quyền được khám sức định kỳ hằng năm và chi phí khám sẽ do người sử dụng lao động chi trả. 

1. Khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho người lao động  

Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề. Đối với lao động nữ, khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành, đối với người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi phải được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần. 

Như vậy, việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho người lao động là quy định bắt buộc người sử dụng lao động phải thực hiện. 

2. Người lao động đã được khám sức khỏe khi tuyển dụng có phải tham gia khám sức khỏe định kỳ trong cùng năm đó không? 

Hiện nay, khi khám sức khỏe tuyển dụng cũng như khám sức khỏe định kỳ, người lao động sẽ thực hiện các nội dung khám sức khỏe tại một cơ sở khám, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động và có đủ điều kiện thực hiện khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật. 

Theo quy định tại Điều 6.3 Thông tư 14/2013/TT – BYT, đối với trường hợp khám sức khỏe định kỳ sẽ được thực hiện theo nội dung ghi trong Sổ khám sức khỏe định kỳ quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 14/2013/TT – BYT. 

Đối với trường hợp khám sức khỏe khác cho người trên 18 tuổi sẽ thực hiện khám theo nội dung ghi trong giấy khám sức khỏe dùng cho người từ đủ 18 tuổi trở lên nếu không thuộc trường hợp khám sức khỏe theo bộ tiêu chuẩn sức khỏe chuyên ngành hoặc khám sức khỏe theo nội dung được yêu cầu. Ngoài ra, một số trường hợp người sử dụng lao động sẽ yêu cầu cơ sở khám bệnh chữa bệnh thực hiện khám theo các nội dung yêu cầu. 

Sau khi hoàn thành các nội dung khám sức khỏe, người lao động sẽ được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện theo quy định cấp giấy khám sức khỏe có giá trị sử dụng trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký kết luận sức khỏe.

Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, khám sức khỏe khi tuyển dụng và khám sức khỏe định kỳ hằng năm vẫn là hai kỳ khám sức khỏe khác nhau với các nội dung và yêu cầu được quy định riêng biệt. Trong khi đó, pháp luật không hề có quy định cụ thể người lao động vừa thực hiện khám sức khỏe tuyển dụng sẽ được miễn tham gia khám sức khỏe định kỳ hằng năm tại doanh nghiệp trong năm đó. Do đó, không có căn cứ pháp lý để người lao động được miễn khám sức khỏe định kỳ hằng năm dù người lao động đã khám sức khỏe tuyển dụng và được cấp giấy khám sức khỏe có thời hạn. Tuy nhiên, người lao động vào làm việc chính thức tại doanh nghiệp sau ngày khám sức khỏe định kỳ thì không phải khám sức khỏe định kỳ lại trong năm đó. 

3. Trình tự, thủ tục khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho người lao động

Khi tiến hành khám sức khỏe định kỳ cho người lao động trong doanh nghiệp thì hồ sơ khám sức khỏe gồm những giấy tờ sau:

  • Sổ khám sức khỏe định kỳ theo mẫu (Phụ lục số 03 ban hành kèm Thông tư 14/2013/TT-BYT).
  • Nếu người lao động khám sức khỏe định kỳ riêng lẻ: phải có giấy giới thiệu của doanh nghiệp nơi người lao động đang làm việc.

Nếu người lao động khám sức khỏe định kỳ theo hợp đồng (tức khám theo đợt tập trung do doanh nghiệp tổ chức) phải có tên trong danh sách lao động khám sức khỏe định kỳ do doanh nghiệp lập (lập bằng văn bản có dấu xác nhận).

Cơ sở khám sức khỏe định kỳ sau khi nhận được hồ sơ sẽ tiến hành khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo quy định pháp luật. Sau khi khám xong, cơ sở khám sức khỏe sẽ ghi kết luận cùng chữ ký xác nhận vào sổ khám sức khỏe định kỳ. Tiếp đó, trả lại sổ khám sức khỏe định kỳ cho người lao động nếu khám sức khỏe đơn lẻ; chuyển cho người sử dụng lao động hoặc cho người lao động theo như hợp đồng đã thỏa thuận nếu thuộc trường hợp khám sức khỏe tập thể theo hợp đồng.

Sau khi khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, người sử dụng lao động có thể tự mình hoặc ủy quyền cho cơ sở khám sức khỏe thông báo kết quả cho người lao động biết. Tình trạng sức khỏe của người lao động sau mỗi lần thăm khám được ghi đầy đủ vào sổ khám sức khỏe định kỳ của mỗi người.

Tất cả hồ sơ khám sức khỏe định kỳ của người lao động sẽ do người sử dụng lao động lập và quản lý. Người sử dụng lao động sẽ quản lý hồ sơ sức khỏe từ lúc người lao động bắt đầu làm việc cho đến khi nghỉ việc, trừ trường hợp người lao động bị bệnh nghề nghiệp hoặc tai nạn lao động thì dù nghỉ hưu người sử dụng lao động vẫn phải lưu giữ hồ sơ sức khỏe.

Xem thêm: Chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trên đây là nội dung bài viết về vấn đề “Người sử dụng lao động có bắt buộc phải thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động hằng năm không?” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với Lawkey để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *