Nếu người lao động làm việc cho nhiều công ty con thuộc cùng một tập đoàn thì người lao động có phải ký hợp đồng lao động với từng công ty con không? Việc quyết toán thuế cho người lao động trong trường hợp này sẽ do ai đứng ra thực hiện? Trong bài viết dưới đây, Lawkey sẽ giải đáp giúp bạn đọc.
1. Nếu người lao động làm việc cho nhiều công ty con thuộc cùng một tập đoàn thì người lao động có phải ký hợp đồng lao động với từng công ty con không?
Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, một tổ chức được coi là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây: (i) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; (ii) Có cơ quan điều hành và các cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân; (iii) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; (iv) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Như vậy, mặc dù các công ty con trực thuộc cùng một tập đoàn nhưng các công ty vẫn được xem là những pháp nhân độc lập và cũng là những người sử dụng lao động độc lập nếu xét dưới góc độ pháp luật lao động. Trên cơ sở đó, nếu một người lao động cùng làm việc cho các doanh nghiệp này thì mỗi doanh nghiệp phải ký kết riêng rẽ từng hợp đồng lao động với người lao động. Trong trường một trong các doanh nghiệp không giao kết hợp đồng lao động với người lao động thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định, phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
- Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Lưu ý, mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
2. Việc quyết toán thuế cho người lao động trong trường hợp người lao động làm việc cho nhiều công ty con cùng thuộc một tập đoàn
Theo quy định của pháp luật hiện hành, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công sẽ ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế thay trong các trường hợp sau đây:
- Cá nhân chỉ có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại tổ chức, cá nhân trả thu nhập và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm ủy quyền quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm;
- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một tổ chức, cá nhân trả thu nhập và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm ủy quyền quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế 10% mà không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này; và
- Cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới trong trường hợp tổ chức cũ thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Cuối năm, người lao động có ủy quyền quyết toán thuế thì tổ chức mới phải thu lại chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân do tổ chức cũ đã cấp cho người lao động (nếu có) để làm căn cứ tổng hợp thu nhập, số thuế đã khấu trừ và quyết toán thuế thay cho người lao động.
Như vậy, đối chiếu với những trường hợp được ủy quyền quyết toán thuế nêu trên thì trong trường hợp này người lao động có thu nhập từ nhiều tổ chức trả thu nhập sẽ không thể ủy quyền quyết toán thuế được mà phải tự thực hiện nghĩa vụ quyết toán thuế của mình tại cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền.
Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề “Những lưu ý khi người lao động làm việc cho nhiều công ty con cùng thuộc một tập đoàn” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.