Pháp luật về bảo hiểm xã hội quy định người hưởng lương hưu mà đang giao kết hợp đồng lao động sẽ không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Vấn đề đặt ra là “người hưởng lương hưu” được hiểu như thế nào theo quy định của pháp luật?

1. Người hưởng lương hưu được hiểu như thế nào?

Người hưởng lương hưu là người đáp ứng đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật. Về mặt nguyên tắc, điều kiện hưởng lương hưu thường có hai điều kiện cơ bản là điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và điều kiện về tuổi đời của người lao động. 

2.1. Đối với người lao động không bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên 

Về thời gian đóng bảo hiểm xã hội, theo nguyên tắc chung, để được hưởng lương hưu, người lao động phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên.

Về tuổi đời, những người lao động thuộc lực lượng dân sự làm việc trong điều kiện lao động bình thường được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi và nữ đủ 55 tuổi. Những người lao động có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ lao động thương binh & xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên sẽ được giảm tối đa 05 tuổi đời so với người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường (nam đủ 55 tuổi đến 60 tuổi và nữ đủ 50 tuổi đến 55 tuổi). Riêng người lao động có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò được giảm tối đa 10 tuổi đời so với ngươi lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường (đủ 50 tuổi). 

Điều kiện về tuổi đời của những người lao động thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thấp hơn 05 tuổi ở mỗi trường hợp tương ứng so với người lao động trong lực lượng dân sự. 

2.2. Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên

Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 có những quy định mới về điều kiện hưởng lương hưu đối với những người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, nhất là điều kiện về tuổi đời và thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội của người lao động như những người lao động khác.

Về thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên phải đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên mới được xem xét hưởng chế độ lương hưu. 

Về tuổi đời và mức suy giảm khả năng lao động, những người lao động thuộc lực lương dân sự phải thuộc một trong các trường hợp được tính theo tỷ lệ quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật bảo hiểm xã hội. Cụ thể, 

  • Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;
  • Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
  • Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

Như vậy, về mặt nguyên tắc, chỉ khi thỏa mãn đủ 02 điều kiện nêu trên bao gồm về tuổi hưu và thời gian đóng bảo hiểm xã hội  thì người lao động mới được xem là người hưởng lương hưu.

2. Người lao động cao tuổi có thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không? 

Từ những điều đã phân tích ở trên, có thể thấy rằng, không phải lúc nào người lao động cao tuổi cũng được xem là người hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật. Bởi vì trên thực tế, có nhiều người lao động cao tuổi chỉ đáp ứng được một điều kiện của người hưởng lương hưu đó là độ tuổi. Do đó, để xem xét một người lao động cao tuổi có được coi là người hưởng lương hưu hay không còn phải xem xét thêm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động cao tuổi đó.

Như vậy, trong trường hợp người lao động cao tuổi chưa có đủ thời gian 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, thì người lao động cao tuổi vẫn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Về vấn đề bảo hiểm y tế, người hưởng lương hưu sẽ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế và mức đóng bảo hiểm y tế do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng cho người lao động. Trường hợp người lao động cao tuổi không đủ thời gian 20 năm đóng bảo hiểm thì phải tự đóng bảo hiểm y tế theo mức quy định hiện hành (người lao động đóng 1,5% và doanh nghiệp đóng 3% trên tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội).

Lưu ưu ý rằng đối với những người lao động là người nước ngoài đang hưởng lương hưu tại quốc gia của người lao động sẽ không đương nhiên được xem là đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Xem thêm: Bảo vệ thu nhập đối với người cao tuổi từ bảo hiểm hưu trí bắt buộc

Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề “Người lao động cao tuổi có thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không?” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với Lawkey để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *