Người lao động có được tự chốt sổ bảo hiểm không?Thủ tục chốt sổ bảo hiểm được thực hiện như thế nào?Trong bài viết dưới đây, Lawkey sẽ giải đáp giúp bạn đọc. 

1. Người lao động có được tự chốt sổ bảo hiểm không?

Khoản 3 Điều 47 Bộ luật lao động năm 2012 quy định: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội cùng những giấy tờ khác đã giữ lại của người lao động.”

Cùng với đó, khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 nêu rõ: “Người sử dụng lao động phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, người lao động không thể tự chốt sổ bảo hiểm xã hội. Trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội thuộc về người sử dụng lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp phá sản và nợ bảo hiểm nên không thể chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. 

Theo điểm 3.2 khoản 3 Điều 46 Quyết định 595/QĐ-BHXH, đơn vị nợ tiền đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN), nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì:

Đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.

Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.

2. Chế tài đối với doanh nghiệp không chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động 

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, khoản 1 Điều 11 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với người sử dụng lao động có hành vi không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

  • Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
  • Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
  • Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
  • Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
  • Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Ngoài ra, theo khoản 4 Điều 40 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, người sử dụng lao động không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định còn bị phạt tiền từ 2.000.000 – 4.000.000 triệu đồng khi vi phạm với mỗi người lao động và tối đa không quá 75 triệu đồng.

Trên đây là nội dung tư vấn “Người lao động có thể tự chốt sổ bảo hiểm xã hội được hay không?” mà lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.