Khi hợp đồng lao động hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì quyền lợi của họ sẽ như thế nào? Trong bài viết dưới đây, Lawkey sẽ giải đáp giúp bạn đọc. 

1. Quyền lợi của người lao động khi hợp đồng hết hạn nhưng vẫn tiếp tục làm việc

Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012, trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động. Tùy thuộc vào nhu cầu công việc mà người sử dụng lao động và người lao động có giao kết một trong các loại hợp đồng lao động sau:

– Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: Là loại hợp lao động mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

– Hợp đồng lao động xác định thời hạn: Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

– Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Khoản 2 Điều 22 Bộ luật lao động năm 2012 quy định, Khi hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới. Tuy nhiên, việc ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm một (01) lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, nếu người sử dụng lao động không ký kết hợp đồng lao động mới với người lao động thì hợp đồng lao động xác định thời hạn đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đã giao kết trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.

Như vậy, khi hợp đồng lao động hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì tùy thuộc vào loại hợp đồng trước đó đã giao kết với doanh nghiệp mà người lao động có thể được ký hợp đồng lao động mới hoặc chuyển sang hợp đồng không xác định thời hạn hoặc có thời hạn 24 tháng.

2. Doanh nghiệp bị xử lý như thế nào nếu không giao kết hợp đồng lao động với người lao động?

Như đã đề cập ở trên, trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động, trừ trường hợp đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.

Nếu người sử dụng lao động mà không giao kết hợp đồng lao động với người lao động thì bị xử lý như thế nào?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ – CP, người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động thì người sử dụng lao động có thể bị phạt tiền theo một trong các mức sau đây:

  • Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
  • Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
  • Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
  • Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
  • Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Ngoài ra, người lao động không được giao kết hợp đồng lao động khi làm việc cho người sử dụng lao động còn ảnh hưởng đến quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động. Do đó, tùy thuộc vào mức độ, tính chất của hành vi vi phạm mà người sử dụng lao động có thể bị xử lý vi phạm hành chính và bắt buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả để khôi phục quyền lợi của người lao động.

Trên đây là nội dung bài viết “Quyền lợi của người lao động khi hợp đồng hết hạn nhưng vẫn tiếp tục làm việc” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *