Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Như vậy, đình công là một trong những quyền của người lao động. Tuy nhiên, thực tế đa số các cuộc đình công đều bất hợp pháp và không được công nhận. Vậy thế nào là một cuộc đình công hợp pháp, trong bài viết dưới đây, Lawkey sẽ giải đáp giúp bạn đọc. 

1. Thế nào là một cuộc đình công hợp pháp?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, đình công hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

  • Phải phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể và trong phạm vi quan hệ lao động;
  • Những người lao động phải cùng làm việc cho một người sử dụng lao động;
  • Vụ việc tranh chấp lao động tập thể đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân giải quyết theo quy định của Bộ luật Lao động 2012. Sau 5 ngày kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận hòa giải thành thì tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công. Trong trượng hợp Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành thì sau thời hạn 3 ngày, tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.
  • Việc đình công do Ban chấp hành công đoàn cơ sở tiến hành sau khi được quá nửa tập thể lao động tán thành bằng cách bỏ phiếu kín hoặc lấy chữ ký.

Đình công phải do Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời (Sau đây gọi chung là Ban chấp hành công đoàn cơ sở) tổ chức và lãnh đạo. Trường hợp, doanh nghiệp chưa có Ban chấp hành công đoàn cơ sở thì đình công do tổ chức công đoàn cấp trên tổ chức và lãnh đạo theo đề nghị của người lao động.

Như vậy, một cuộc đình công hợp pháp là cuộc đình được tổ chức khi đáp ứng đủ các điều kiện trên và được thực hiện theo đúng trình tự do pháp luật quy định.

2. Trình tự đình công

Theo quy định tại Điều 211 Bộ luật lao động năm 2012, trình tự đình công được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Lấy ý kiến tập thể lao động

Đối với tập thể lao động có tổ chức công đoàn cơ sở thì lấy ý kiến của thành viên Ban chấp hành công đoàn cơ sở và tổ trưởng các tổ sản xuất. Nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì lấy ý kiến của tổ trưởng các tổ sản xuất hoặc của người lao động.

Thời gian, hình thức lấy ý kiến (bằng phiếu hoặc chữ ký) để đình công do Ban chấp hành công đoàn quyết định và phải thông báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 01 ngày

Nội dung lấy ý kiến để đình công bao gồm: Phương án của Ban chấp hành công đoàn về thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công; phạm vi tiến hành đình công; yêu cầu của tập thể lao động và ý kiến của người lao động đồng ý hay không đồng ý đình công.

Khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với phương án của Ban chấp hành công đoàn đưa ra thì Ban chấp hành công đoàn ra quyết định đình công bằng văn bản.

Bước 2: Ra quyết định đình công.

Quyết định đình công phải có các nội dung sau đây:

  • Kết quả lấy ý kiến đình công;
  • Thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công;
  • Phạm vi tiến hành đình công;
  • Yêu cầu của tập thể lao động;
  • Họ tên của người đại diện cho Ban chấp hành công đoàn và địa chỉ liên hệ để giải quyết.

Ít nhất là 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu đình công, Ban chấp hành công đoàn gửi quyết định đình công cho người sử dụng lao động, đồng thời gửi 01 bản cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh, 01 bản cho công đoàn cấp tỉnh.

Bước 3: Tiến hành đình công

Đến thời điểm bắt đầu đình công, nếu người sử dụng lao động không chấp nhận giải quyết yêu cầu của tập thể lao động thì Ban chấp hành công đoàn tổ chức và lãnh đạo đình công.

3.Tiền lương và các quyền lợi hợp pháp khác của người lao động trong thời gian đình công

  • Tiền lương của người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được trả lương ngừng việc theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về lao động.
  •  Người lao động tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác. Điều này có nghĩa là trong trường hợp nếu người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận khác thì người lao động khi tham gia đình công vẫn có thể được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung bài viết về vấn đề “Thế nào là một cuộc đình công hợp pháp?” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.