Đối với nhóm người lao động đặc thù bao gồm lao động nữ, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi thì người sử dụng lao động phải tuân thủ triệt để thời giờ làm việc áp dụng đối với các đối tượng này nhằm bảo đảm điều kiện tốt nhất để họ thực hiện công việc theo hợp đồng lao động.

1. Đối với lao động nữ 

Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật lao động năm 2012:

(i) Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau đây:

  • Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
  • Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

(ii) Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.

Theo khoản 5 Điều 155 Bộ luật lao động năm 2012 và được hướng dẫn tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 7 Nghị định 85/2015/NĐ – CP quy định:

(i) Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ như sau:

  • Mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trong một tháng;
  • Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
  • Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.

(ii) Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ như sau:

  • Mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi;
  • Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
  • Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Người lao động chưa thành niên 

Người lao động chưa thành niên là người lao động dưới 18 tuổi.

2.1. Thời giờ làm việc đối với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi 

Thời giờ làm việc của người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần; được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề và công việc theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

2.2. Thời giờ làm việc của người dưới 15 tuổi 

Thời giờ làm việc của người dưới 15 tuổi không được quá 4 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần và không được sử dụng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

3. Người lao động cao tuổi 

Người lao động cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian. Năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu, người lao động được rút ngắn thời giờ làm việc bình thường hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

Ngoài thời giờ làm việc nêu trên, người sử dụng lao động có quyền huy động người lao động cao tuổi làm thêm nếu đáp ứng đủ hai điều kiện:

(i) Được người lao đồng ý;

(ii) Và bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không vượt quá khung giờ quy định:

  • Không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; khi áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày;
  •  Không quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.
  • Không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm như sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản; Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước hoặc các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn.

Lưu ý, sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.

Xem thêm: Tuổi nghỉ hưu đối với người lao động theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019

Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong Bộ luật lao động năm 2019

Trên đây là nội dung bài viết về vấn đề “Thời giờ làm việc đối với nhóm người lao động đặc thù”. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với Lawkey để được hỗ trợ tư vấn.

One thought on “Thời giờ làm việc đối với nhóm người lao động đặc thù

  1. Pingback: Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động được pháp luật quy định như thế nào?  – Trang pháp luật kinh tế – Luật LawKey

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *