Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi là một trong các chế định quan trọng của Bộ luật lao động. So với Bộ luật lao động năm 2012, Bộ luật lao động năm 2019 có nhiều điểm mới quan trọng về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
1.Về thời giờ làm việc bình thường
Thời giờ làm việc được hiểu là khoảng thời gian mà người lao động phải có mặt tại địa điểm làm việc để thực hiện các công việc được giao trên cơ sở quy định của pháp luật hoặc thỏa thuận của các bên trong hợp đồng lao động.
Về thời giờ làm việc bình thường của người lao động được quy định tại Điều 105 BLLĐ năm 2019. Theo đó, “1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
2.Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.”
Như vậy, về cơ bản BLLĐ năm 2019 vẫn giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường của người lao động giống như trong quy định của BLLĐ năm 2012 (không quá 8 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong một tuần).
Đồng thời, BLLĐ năm 2019 tiếp tục giữ quy định “Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.”
Về thời giờ làm việc bình thường của những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, theo BLLĐ năm 2012 là “Không quá 06 giờ trong một ngày”. Tuy nhiên, đến BLLĐ năm 2019, vấn đề này được thay đổi bằng quy định mang tính nguyên tắc. Cụ thể “Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm thời hạn thời gian làm việc bình thường tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật liên quan.”
2. Về làm thêm giờ
Điều kiện làm thêm giờ được quy định tại Điều 107 BLLĐ năm 2019. Theo đó, người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau:
(i) Phải được sự đồng ý của người lao động;
(ii) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;
(iii) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm;
(iv) Một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm:
- Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản;
- Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;
- Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời;
- Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất;
- Trường hợp khác do Chính phủ quy định.
Như vậy, BLLĐ năm 2019 đã mở rộng giới hạn làm thêm giờ trong tháng lên 40 giờ thay vì 30 giờ như trong quy định của BLLĐ năm 2012. Đồng thời, BLLĐ năm 2019 bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong 01 năm nhằm đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người lao động.
3. Về nghỉ lễ, tết
BLLĐ năm 2019 đã tăng thêm 01 ngày nghỉ lễ cho người lao động, vào ngày liền kề trước trước hoặc sau ngày 02 tháng 9 dương lịch hằng năm. Điều này có nghĩa là nâng tổng số ngày nghỉ lễ, tết trong năm lên 11 ngày, nhiều hơn 01 ngày so với quy định trong BLLĐ năm 2012. Theo đó, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày nghỉ lễ, tết như sau: Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch); Tết Âm lịch 05 ngày; Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch); Ngày quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch); Ngày Quốc khánh 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và một ngày liền kề trước hoặc sau); Ngày Giỗ tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
4. Nghỉ trong giờ làm việc
Điều 108 BLLĐ năm 2012 quy định: “Người lao động làm việc liên tục 08 giờ hoặc 06 giờ theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật này được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào thời giờ làm việc.
2.Trường hợp làm việc ban đêm, thì người lao động được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút, tính vào thời giờ làm việc.”
Khoản 1 Điều 5 Nghị định 45/2013/NĐ – CP hướng dẫn: “Thời gian nghỉ giữa giờ làm việc quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 108 của Bộ luật lao động được coi là thời giờ làm việc áp dụng trong ca liên tục 08 giờ trong điều kiện bình thường hoặc 06 giờ trong trường hợp được rút ngắn. Thời điểm nghỉ cụ thể do người sử dụng lao động quyết định.” Tuy nhiên, những quy định này đã gây ra nhiều tranh cãi trong thực tiễn thực thi pháp luật.
Vì vậy, để khắc phục hạn chế của BLLĐ năm 2012, BLLĐ năm 2019 đã bỏ cụm từ “tính vào thời gian làm việc” về nghỉ trong giờ làm việc của người lao động. Cụ thể, Khoản 1 Điều 109 BLLĐ năm 2019 quy định: “Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.” và chỉ “Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.”
5. Về nghỉ hằng năm
Vấn đề nghỉ hằng năm của người lao động được BLLĐ năm 2019 quy định tại các Điều 113 và Điều 114. So với BLLĐ năm 2012, BLLĐ năm 2019 đã bỏ quy định tại khoản 2 Điều 113 của BLLĐ năm 2012 về thanh toán tiền tàu xe và tiền lương những ngày đi đường khi nghỉ hằng năm. Như vậy, từ ngày 01/01/2021 người lao động miền xuôi làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và người lao động làm việc ở miền xuôi sẽ không được thanh toán tiền tàu xe và tiền lương những ngày đi đường khi nghỉ hằng năm.
Trên đây là những quy định của BLLĐ năm 2019 về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi mà Lawkey muốn gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ với Lawkey để được hỗ trợ.