Theo quy định của pháp luật, người lao động có tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ được Quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trả trợ cấp thất nghiệp khi bị mất việc làm. Tuy nhiên để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải tham gia đóng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong bao lâu? Mức hưởng và thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp được pháp luật quy định như thế nào?
1. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 Luật việc làm năm 2013, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực thì người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại tổ chức bảo hiểm xã hội.
Việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng đối với người lao động. Bởi lẽ, tổng các khoảng thời gian mà người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp là căn cứ để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trong khi đó bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động tìm việc làm.
Về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại các Điều 44, 57 Luật việc làm năm 2013. Cụ thể, hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp đồng thời trích 1% tiền lương tháng của từng người lao động để đóng cùng một lúc vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Trong đó, theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ – CP, người lao động được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
- Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
- Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
- Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
- Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội.
Lưu ý, thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về viên chức.
2. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo quy định tại Điều 50 Luật việc làm 2013 về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng sẽ được tính bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Về thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
3. Thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp
Để hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động cần chuẩn bị một bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp để gửi đến trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.
3.1 Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
Người lao động cần chuẩn bị một bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm các giấy tờ sau:
- Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định;
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;
- Sổ bảo hiểm xã hội.
3.2. Thời hạn giải quyết
Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động, trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm xem xét, trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Trường hợp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp gửi theo đường bưu điện thì ngày nhận hồ sơ được tính là ngày chuyển đến ghi trên dấu bưu điện.
Người lao động chưa tìm được việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp được Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trung tâm dịch vụ việc làm xác nhận về việc đã giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động vào sổ bảo hiểm xã hội và gửi lại người lao động cùng với quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi chụp sổ bảo hiểm xã hội để lưu hồ sơ.
Trường hợp người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trung tâm dịch vụ việc làm phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trên đây là nội dung bài viết về “Thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.
Pingback: Trường hợp nào được cộng dồn thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục? – Trang pháp luật kinh tế – Luật LawKey