Để thuận lợi cho việc khám chữa bệnh, người tham gia bảo hiểm y tế phải biết những thủ tục khám chữa bệnh cần thiết tại các cơ sở y tế. Bài viết dưới đây, Lawkey gửi tới bạn đọc những quy định của pháp luật về thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế mà ai cũng phải biết. 

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ – CP, thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế như sau:

1. Trường hợp khám, chữa bệnh thông thường

Người tham gia bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh; trường hợp thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì xuất trình thẻ bảo hiểm y tế cùng giấy tờ chứng minh nhân thân của người đó.

Riêng đối với trẻ em dưới 6 tuổi:

  • Xuất trình thẻ bảo hiểm y tế còn giá trị sử dụng (nếu có).
  • Trường hợp trẻ chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế thì phải xuất trình bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh;
  • Trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán chi phí bảo hiểm y tế.

Người tham gia bảo hiểm y tế trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ bảo hiểm y tế và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.

2. Trường hợp khám, chữa bệnh sau khi hiến bộ phận cơ thể

Khoản 4 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ – CP quy định về thủ tục khám, chữa bệnh đối với người bệnh sau khi hiến bộ phận cơ thể như sau:

  • Người đã hiến bộ phận cơ thể đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế và giấy tờ chứng minh nhân thân của mình.
  • Trường hợp phải điều trị ngay sau khi hiến thì thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi lấy bộ phận cơ thể và người bệnh hoặc thân nhân của người bệnh ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán chi phí bảo hiểm y tế.

3. Trường hợp chuyển tuyến điều trị

Do trình độ chuyên môn kỹ thuật không đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh nên cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới phải chuyển người bệnh lên tuyến trên. Trong trường hợp này, người bệnh phải xuất trình hồ sơ chuyển tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và giấy chuyển tuyến theo mẫu. 

Trường hợp giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12 nhưng đợt điều trị chưa kết thúc thì được sử dụng giấy chuyển tuyến đó đến hết đợt điều trị.

4. Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị

Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia bảo hiểm y tế phải có giấy hẹn khám lại theo mẫu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Giấy hẹn khám lại chỉ sử dụng cho 01 lần thực hiện khám, chữa bệnh.

5. Trường hợp cấp cứu

Trường hợp cấp cứu, người tham gia bảo hiểm y tế được đến khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào và phải xuất trình các giấy tờ như trường hợp khám, chữa bệnh thông thường trước khi ra viện.

Khi hết giai đoạn cấp cứu, người bệnh được chuyển đến khoa, phòng điều trị khác tại cơ sở đó để tiếp tục theo dõi, điều trị hoặc chuyển tuyến đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.

Trường hợp cấp cứu tại cơ sở khám, chữa bệnh không có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thì người bệnh được nhận các giấy tờ, chứng từ hợp lệ liên quan đến chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi ra viện để thanh toán trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội.

6. Trường hợp đi công tác, làm việc lưu động, học tập trung

Người tham gia bảo hiểm y tế trong thời gian đi công tác, làm việc lưu động, học tập trung theo các hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, tạm trú được khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế.

Khi đi khám, chữa bệnh người tham gia bảo hiểm y tế phải xuất trình các giấy tờ giống như trường hợp khám, chữa bệnh thông thường và một trong các giấy tờ sau (bản chính hoặc bản chụp):

  • Giấy công tác;
  • Quyết định cử đi học;
  • Thẻ học sinh, sinh viên;
  • Giấy tờ chứng minh đăng ký tạm trú;
  • Giấy chuyển trường.

Lưu ý, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan bảo hiểm xã hội không được quy định thêm thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoài các thủ tục khám, chữa bệnh như đã nêu ở trên.

Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan bảo hiểm xã hội cần sao chụp thẻ bảo hiểm y tế, các giấy tờ liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh để phục vụ cho công tác quản lý thì phải tự sao chụp, không được yêu cầu người bệnh sao chụp hoặc chi trả cho khoản chi phí này.

Xem thêm: Những điều cần biết khi đi khám chữa bệnh trái tuyến

Mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật

Trên đây là nội dung bài viết về vấn đề “Thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế mà ai cũng phải biết” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với Lawkey để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *