Bộ luật lao động năm 2019 được Quốc Hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 20/11/2019 với nhiều điểm mới quan trọng về thực hiện hợp đồng lao động. Những điểm mới này sẽ tác động không nhỏ tới việc thực hiện hợp đồng lao đồng giữa người lao động và người sử dụng lao động.

1. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động

Cả Bộ luật lao động năm 2012 (BLLĐ năm 2012) và Bộ luật lao động năm 2019 (BLLĐ năm 2019) đều quy định, người sử dụng lao động được phép chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động (HĐLĐ), thời hạn chuyển và tiền lương của người lao động (NLĐ) trong thời gian làm công việc khác. 

Tuy nhiên, so với BLLĐ năm 2012, BLLĐ năm 2019 đã bổ sung quy định: “Người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.” Quy định này khắc phục được những hạn chế của BLLĐ năm 2012 khi đã không quy định cụ thể thế nào là “nhu cầu sản xuất, kinh doanh” – một trong các trường hợp người sử dụng lao động (NSDLĐ) được chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ. 

Thời hạn chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ vẫn được quy định giống như BLLĐ năm 2012 (không quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm, nếu quá thời hạn này phải có sự đồng ý bằng văn bản của người lao động) 

Ngoài ra, BLLĐ năm 2019 còn bổ sung thêm khoản 4, theo đó: “Người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Điều 99 của Bộ luật này.”  Quy định này là hợp lý vì chính NSDLĐ không bố trí được công việc cho NLĐ dẫn tới NLĐ phải ngừng việc. 

2. Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

Điều 30 BLLĐ năm 2019 quy định về các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và cách giải quyết quyền lợi của NLĐ trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Ngoài các trường hợp tạm hoãn thực hiện HĐLĐ tại Điều 32 BLLĐ năm 2012, Khoản 1 Điều 30 BLLĐ năm 2019 đã bổ sung 4 trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động là: (i) NLĐ thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; (ii) NLĐ được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; (iii) NLĐ được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác. 

Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, việc giải quyết quyền lợi của người lao động được thực hiện như sau: “Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.” Đây là quy định hợp lý, bởi vì khi tạm hoãn thực hiện HĐLĐ là thời gian NLĐ không thực hiện nghĩa vụ theo HĐLĐ đã giao kết nên về nguyên tắc NLĐ không được hưởng lương và các quyền lợi đã giao kết trong HĐLD. 

Trên đây là những điểm mới của Bộ luật lao động năm 2019 về thực hiện hợp đồng lao động mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Nếu có thêm bất kỳ thắc mắc nào về các vấn đề pháp lý liên quan, vui lòng liên hệ với Lawkey để được hỗ trợ. 

One thought on “Những điểm mới về thực hiện hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019

  1. Pingback: Những lưu ý về thực hiện phụ lục hợp đồng lao động từ năm 2021 - Trang pháp luật kinh tế - Luật LawKey

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *