Hiện nay, việc thuê mướn người giúp việc là lựa chọn của hầu hết các gia đình ở những thành phố lớn. Vậy tiền lương, ngày nghỉ của người lao động giúp việc gia đình được xác định như thế nào? 

1. Thế nào là người lao động giúp việc gia đình

Theo quy định tại Điều 179 Bộ luật lao động năm 2012 được hướng dẫn bởi Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 3 Nghị định 27/2014/NĐ – CP: Lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình, bao gồm: Người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động; người lao động không sống tại gia đình người sử dụng lao động.

Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.

Các công việc không liên quan đến hoạt động thương mại gồm các công việc: Nấu ăn cho các thành viên trong hộ gia đình mà không phải bán hàng ăn; trồng rau, hoa quả, cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm phục vụ sinh hoạt của các thành viên trong hộ gia đình mà không phải để bán, trao đổi hàng hóa; lau dọn nhà ở, sân vườn, bảo vệ nhà cửa, tài sản của hộ gia đình mà không phải là nhà xưởng, cửa hàng, văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh; lái xe đưa đón các thành viên trong hộ gia đình hoặc vận chuyển các đồ đạc, tài sản của hộ gia đình mà không phải đưa đón thành viên trong hộ gia đình tham gia sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, kinh doanh; kèm cặp thành viên trong hộ gia đình học văn hóa; giặt quần áo, chăn màn của các thành viên trong hộ gia đình mà không phải kinh doanh giặt là hoặc không phải giặt quần áo bảo hộ lao động của những người được thuê mướn sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình; công việc khác phục vụ đời sống, sinh hoạt của hộ gia đình, các thành viên trong hộ gia đình và không trực tiếp hoặc góp phần tạo ra thu nhập cho hộ hoặc cá nhân trong hộ gia đình.

Người sử dụng lao động sử dụng lao động giúp việc gia đình là hộ gia đình hoặc nhiều hộ gia đình có thuê mướn, sử dụng lao động là người giúp việc gia đình theo hợp đồng lao động.

2. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động giúp việc gia đình

Để đảm bảo quyền lợi của người lao động giúp việc gia đình, pháp luật quy định, người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình. Trong đó, hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở.

2.1. Về thời giờ làm việc 

Khoản 1 Điều 24 Nghị định 27/2014/NĐ – CP quy định: Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động giúp việc gia đình do hai bên thỏa thuận nhưng người lao động phải được nghỉ ít nhất 8 giờ, trong đó có 6 giờ nghỉ liên tục trong 24 giờ liên tục.

Về thời giờ làm việc đối với lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần.

2.2. Thời giờ nghỉ ngơi 

Cũng theo quy định tại các Điều 23, 24 Nghị định 27/2014/NĐ – CP, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động giúp việc gia đình được quy định như sau:

(i) Nghỉ hằng tuần 

Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp không thể bố trí được thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày. Thời điểm nghỉ do hai bên thỏa thuận.

(ii) Nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết

Người lao động giúp việc gia đình mà có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm là 12 ngày làm việc và được hưởng nguyên lương. Thời điểm nghỉ do hai bên thỏa thuận. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày nghỉ lễ, tết theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012. Theo đó, mỗi năm người lao động giúp việc gia đình được nghỉ tối đa 10 ngày vào ngày lễ, tết. Cụ thể: 

Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

  • Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
  • Tết Âm lịch 05 ngày;
  • Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
  • Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
  • Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch);
  • Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

Đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài ngày nghỉ lễ theo quy định trên còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

Nếu những ngày nghỉ lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần, thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.

3. Tiền lương của người lao động giúp việc gia đình 

Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Về mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương sẽ do hai bên thỏa thuận tuy nhiên thỏa thuận của các bên không được trái với quy định của pháp luật. 

3.1. Mức lương của người lao động giúp việc gia đình 

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 27/2014/ND D- CP, Mức tiền lương mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động sẽ do hai bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng lao động. Mức tiền lương (bao gồm cả chi phí ăn, ở của người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động nếu có) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định áp dụng đối với địa bàn nơi người lao động làm việc. Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận mức chi phí ăn, ở hằng tháng của người lao động (nếu có), nhưng không vượt quá 50% mức tiền lương trong hợp đồng lao động.

3.2. Hình thức trả lương

Pháp luật quy định, người sử dụng lao động trả lương cho người lao động theo thời gian (theo tháng, tuần, ngày, giờ) do hai bên thỏa thuận, gồm:

  • Trả lương theo tháng là tiền lương được trả cho một tháng làm việc xác định trên cơ sở hợp đồng lao động;
  • Trả lương theo tuần là tiền lương được trả cho một tuần làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần;
  • Trả lương theo ngày là tiền lương được trả cho một ngày làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà hai bên xác định nhưng tối đa không quá 26 ngày;
  • Trả lương theo giờ là tiền lương được trả cho một giờ làm việc xác định trên cơ sở tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày mà hai bên xác định và ghi trong hợp đồng lao động.

Nếu trả lương qua tài khoản ngân hàng thì người sử dụng lao động có trách nhiệm tạo điều kiện để người lao động mở tài khoản ngân hàng. Các loại phí liên quan đến mở, duy trì tài khoản do hai bên thỏa thuận. Người sử dụng lao động không được thu phí chuyển khoản tiền lương vào tài khoản của người lao động.

3.3. Thời hạn trả lương 

Người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận thời hạn, thời điểm trả lương cố định trong ngày, trong tuần hoặc trong tháng và ghi trong hợp đồng lao động. Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần, tháng thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần, tháng làm việc hoặc trả gộp do hai bên thỏa thuận.

Trường hợp người sử dụng lao động yêu cầu người lao động làm việc ngoài thời gian ghi trong hợp đồng lao động, làm việc vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương thì người sử dụng lao động phải trả tiền lương làm thêm giờ theo quy định của Bộ luật Lao động. Cụ thể,  Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

  • Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
  • Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
  • Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.

Nếu người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài các khoản trên, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.

Người lao động giúp việc gia đình khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Do đó, khi sử dụng người lao động giúp việc gia đình thì người sử dụng lao động phải chú ý đến các quy định của pháp luật về tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi như đã nêu ở trên. 

Trên đây là nội dung bài viết “Tiền lương, ngày nghỉ của người lao động giúp việc gia đình được xác định như thế nào?” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *