Người sử dụng lao động phải tuân thủ việc đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động nhằm mang đến một môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động. Pháp luật quy định hiện hành quy định như thế nào về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, người sử dụng lao động được yêu cầu thực hiện các nghĩa vụ sau đây để đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

1. Đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc 

Theo đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm tạo môi trường làm việc:

  • Bảo đảm nơi làm việc đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung, các yếu tố có hại khác được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật liên quan và các yếu tố đó phải được định kỳ kiểm tra, đo lường; và
  • Các thiết bị, máy móc, nhà xưởng của người sử dụng lao động phải đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động hoặc đạt các tiêu chuẩn về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc đã được công bố, áp dụng. 

Đối với các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thì người sử dụng lao động chỉ được đưa vào sử dụng khi đã được tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động kiểm định đạt yêu cầu. Đồng thời, người sử dụng lao động phải khai báo với Sở lao động thương binh xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở trong thời hạn 30 ngày trước hoặc sau khi đưa vào sử dụng các loại máy móc, thiết bị, vật tư nêu trên. Người sử dụng lao động phải: 

  • Đặt các bảng chỉ dẫn về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc đối với máy móc, thiết bị ở vị trí dễ đọc, dễ thấy. 
  • Xây dựng kế hoạch và thực hiện các hoạt động đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động trên cơ sở lấy ý kiến của ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc ban chấp hành công đoàn cấp trên nếu doanh nghiệp chưa thành lập ban chấp hành công đoàn cơ sở. 
  • Cử người phụ trách làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động để tham mưu, giúp người sử dụng lao động tổ chức thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà có sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì người sử dụng lao động phải cử người có chuyên môn phù hợp làm cán bộ chuyên trách về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động. Số lượng người làm công tác theo chế độ bán chuyên trách và chế độ chuyên trách về an toàn lao động, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp sẽ tùy thuộc vào lĩnh vực và quy mô hoạt động của doanh nghiệp. 

2. Tham dự khóa huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động 

Để đảm bảo xử lý kịp thời các tình huống sự cố xảy ra tại nơi làm việc, pháp luật lao động cũng đặt ra yêu cầu đối với người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và người sử dụng lao động là phải tham dự khóa huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động và được tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cấp chứng nhận. Sau khi được cấp chứng nhận, người sử dụng lao động phải tổ chức huấn luyện lại cho người lao động (kể cả người học nghề, tập nghề) và hướng dẫn các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho những người đến tham quan, làm việc tại cơ sở thuộc phạm vi quản lý của người sử dụng lao động.

Trường hợp nếu doanh nghiệp có người lao động làm các công việc mà có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật thì những người lao động này cũng phải tham dự khóa huấn luyện và được cấp chứng chỉ như trên. 

3. Đảm bảo thực hiện tốt công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc 

Bên cạnh việc cử người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động để tham mưu cho người sử dụng lao động, người sử dụng lao động còn phải bố trí thêm các bộ phận sau đây nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc:

Bộ phận y tế chịu trách nhiệm chăm sóc và quản lý sức khỏe của người lao động;

Bộ phận an toàn, vệ sinh viên phụ trách giám sát, đôn đốc, nhắc nhở tổ trường và người lao động chấp hành quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động;

Hội đồng an toàn lao động, vệ sinh lao động chịu trách nhiệm phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng nội quy, quy trình, kế hoạch và các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động cơ sở sản xuất, kinh doanh và yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp xử lý khắc phục nếu phát hiện nguy cơ mất an toàn lao động, vệ sinh lao động; và

Điều kiện và số lượng người được cử vào các vị trí trên sẽ tùy thuộc  vào lĩnh vực, quy mô của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn lao động.

4. Xây dựng phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn lao động, vệ sinh lao động 

Người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn lao động, vệ sinh lao động nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp và định kỳ tổ chức diễn tập để đảm bảo khả năng ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố đó. 

Người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động nếu người lao động thấy rõ sự cố xảy ra tại nơi làm việc có nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động và người lao động đã thông báo ngay khi xảy ra sự việc cho người phụ trách biết. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc đó hoặc trở lại nơi làm việc đó nếu nguy cơ chưa được khắc phục. 

5. Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động 

Người sử dụng lao động có trách nhiệm trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân đạt tiêu chuẩn về chất lượng đối với những người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại theo danh mục phương tiện bảo vệ cá nhân trang bị cho người lao động làm nghề, công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại được Bộ LĐTBXH quy định.

6. Chi trả chi phí khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho người lao động 

Người lao động được người sử dụng lao động chi trả chi phí cho việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho người lao động (bao gồm những người học nghề, tập nghề). 

Đối với những người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và các đối tượng lao động đặc thù là người lao động nữ, người lao động khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi thì người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho những đối tượng này ít nhất 06 tháng một lần. Ngoài ra, đối với người lao động nữ thì còn phải được khám chuyên khoa phụ sản và người lao động làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp thì phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. 

Chi phí khám sức khỏe mà người sử dụng lao động chi trả cho người lao động sẽ được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. 

7. Bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động 

Bồi dưỡng bằng hiện vật khi người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại theo nguyên tắc sau: 

  • Người lao động được hưởng mức bồi thường bằng hiện vật nếu đáp ứng đủ điều kiện: (i) làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ lao động thương binh xã hội ban hành; (ii) đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm. Việc xác định yếu tố nguy hiểm, độc hại phải được thực hiện bởi đơn vị đủ điều kiện đo, kiểm tra môi trường lao động theo quy định của Bộ Y tế;
  • Mức bồi thường bằng hiện vật được tính theo định suất hằng ngày mà người lao động thực hiện trong ca hoặc ngày làm việc trên cơ sở bảo đảm thuận tiện và vệ sinh cho người lao động. 

Trường hợp người sử dụng lao động không thể tổ chức bồi dưỡng tập trung tại chỗ do tính chất công việc của những người lao động không ổn định (ví dụ như làm việc lưu động, phân tán, ít người) thì người sử dụng lao động phải cấp hiện vật để người lao động chịu trách nhiệm tự bồi dưỡng. Tuy nhiên, người sử dụng lao động phải lập danh sách cấp phát, có ký nhận của người lao động và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện bồi dưỡng của người lao động; và

  • Mức bồi dưỡng hiện vật có giá trị bằng tiền tương ứng theo 04 mức, bao gồm: mức 01: 10.000 đồng, mức 02: 15.000 đồng, mức 03: 20.000 đồng và mức 04: 25.000 đồng, căn cứ vào điều kiện lao động và chỉ tiêu môi trường khi người lao động phải tiếp xúc với các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Lưu ý rằng, người sử dụng lao động sẽ không được trả bằng tiền, không được trả vào lương thay cho hiện vật bồi dưỡng. Chi phí bồi dưỡng bằng hiện vật do người sử dụng lao động chi trả nêu trên được hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên, và là chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. 

Trên đây là nội dung bài viết về vấn đề “Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với Lawkey để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.