Xử lý kỷ luật lao động là một trong những cách thức để giữ gìn trật tự, nề nếp hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người sử dụng lao động được tùy tiện áp dụng hình thức xử lý kỷ luật đối với người lao động. Trong trường hợp, bị xử lý kỷ luật lao động không thỏa đáng, người lao động nên làm gì? 

Theo quy định tại  Điều 132 Bộ luật lao động năm 2012: “Người bị xử lý kỷ luật lao động mà thấy không thoả đáng có quyền khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định.”

Như vậy, nếu bị xử lý kỷ luật lao động không thỏa đáng, người lao động có thể khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Tòa án.

1. Khiếu nại 

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ – CP: “Người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về lao động, an toàn, vệ sinh lao động của mình bị khiếu nại.”  Do đó, trước hết, người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định xử lý kỷ luật lao động của mình.

Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 180 ngày, kể từ ngày người lao động nhận được hoặc biết được quyết định xử lý kỷ luật lao động của người sử dụng lao động đối với mình.

Trong trường hợp không đồng ý hoặc quá 30 ngày mà người sử dụng lao động không giải quyết thì người lao động được quyền khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Chánh thanh tra Bộ Lao động Thương binh và xã hội là chủ thể cuối cùng về giải quyết khiếu nại của người lao động theo thủ tục hành chính.

2. Khởi kiện quyết định xử lý kỷ luật lao động tại Tòa án 

Theo quy định tại Điều 201 Bộ luật lao động năm 2012: “Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;”

Như vậy, trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết, người lao động phải thực hiện hòa giải tại hòa giải viên lao động, trừ trường hợp bị kỷ luật theo hình thức sa thải.

Trường hợp hoà giải không thành hoặc người sử dụng lao động không thực hiện phương án hòa giải hoặc hết 05 ngày làm việc mà hoà giải viên lao động không hoà giải thì người lao động khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết.

Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải là 06 tháng, và thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết là 01 năm, kể từ ngày nhận ra quyết định xử lý kỷ luật là không thỏa đáng.

Lưu ý: Trong khi chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết, người lao động bị xử lý kỷ luật vẫn phải chấp hành quyết định xử lý kỷ luật lao động.

Xem thêm:  Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với lao động

Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề “Bị xử lý kỷ luật lao động không thỏa đáng, người lao động nên làm gì?” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với Lawkey để được hỗ trợ.