Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Vậy người lao động bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc có được xem là tai nạn lao động không? 

1. Người lao động bị tai nạn lao động trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc có được xem là tai nạn lao động không?

Theo quy định của Luật an toàn, vệ sinh lao động, người lao động bị tai nạn lao động trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc ngược lại trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý thuộc một trong các trường hợp được hưởng các khoản trợ cấp, bồi thường từ người sử dụng lao động và chế độ tai nạn lao động từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội

Căn cứ vào quy định trên, tai nạn lao động xảy ra với người lao động trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc ngược lại sẽ được xem là tai nạn lao động nếu tai nạn lao động xảy ra trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. 

Trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý được hiểu như sau:

  • Khoảng thời gian hợp lý là khoảng thời gian cần thiết để đến nơi làm việc trước giờ làm việc hoặc nơi đăng ký tạm trú đến nơi làm việc và ngược lại.
  • Tuyến đường hợp lý là tuyến đường thường xuyên đi và về từ nơi thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú đến nơi làm việc và ngược lại.

Như vậy, có thể thấy, việc xác định khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý sẽ phụ thuộc vào nhận định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều tra tai nạn lao động. Chỉ khi nào cơ quan này xác định tai nạn xảy ra thỏa mãn được điều kiện về mặt địa điểm và thời gian này mới được xem là tai nạn lao động và khi đó, người lao động mới được hưởng trợ cấp, bồi dưỡng và chế độ tai nạn lao động theo quy định của pháp luật. 

2. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động trên tuyến đường đi và từ nơi ở đến nơi làm việc

Người lao động bị tai nạn lao động khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp cho người lao động tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động tương ứng của người lao động như sau:

  • Ít nhất bằng 40% của 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10 % khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%; và 
  • Ít nhất bằng 40% của 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

Tuy nhiên, người lao động sẽ không được hưởng chế độ trên từ người sử dụng lao động nếu tai nạn xảy ra do một trong các nguyên nhân sau đây:

  • Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
  • Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; hoặc
  • Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

3. Hưởng chế độ tai nạn lao động

Khi xảy ra tai nạn từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại được xác định là tai nạn lao động, ngoài việc được trả trợ cấp từ người sử dụng lao động như nêu ở trên. Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc còn được hưởng chế độ tai nạn lao động của quỹ bảo hiểm xã hội tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là quỹ thành phần của quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, người lao động bị tai nạn lao động khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động nếu người lao động  bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên. Đồng thời, tai nạn lao động xảy ra không phải: (i) Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động; (ii) Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; hoặc (iii) Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

Người lao động sẽ được hưởng mức trợ cấp tai nạn lao động trên cơ sở mức suy giảm khả năng lao động, mức đóng và thời gian đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Như vậy, người lao động bị tai nạn trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý được xem là tai nạn lao động và được hưởng trợ cấp từ người sử dụng lao động cũng như hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Xem thêm: Chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề “Người lao động bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc có được xem là tai nạn lao động không?” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với Lawkey để được hỗ trợ tư vấn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *