Viên chức vi phạm quy định của pháp luật sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật. Vậy việc xử lý kỷ luật đối với Viên chức được tiến hành như thế nào? Trong bài viết dưới đây, Lawkey sẽ giải đáp giúp bạn đọc. 

1. Trường hợp nào Viên chức sẽ bị xử lý kỷ luật?

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 27/2012/NĐ – CP, Viên chức bị xử lý kỷ luật khi có hành vi vi phạm pháp luật trong các trường hợp sau:

  • Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ của viên chức và những việc viên chức không được làm quy định tại Luật viên chức;
  • Vi phạm các nghĩa vụ khác cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập;
  • Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật;
  • Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, nếu Viên chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật nêu trên thì tùy vào tính chất, mức độ vi phạm sẽ phải chịu một trong các hình thứ xử lý kỷ luật sau:

– Khiển trách;

– Cảnh cáo;

– Cách chức (chỉ áp dụng với viên chức quản lý);

– Buộc thôi việc.

2. Thẩm quyền xử lý kỷ luật Viên chức 

Điều 14 Nghị định 27/2012 quy định về thẩm quyền xử lý kỷ luật Viên chức như sau:

  • Đối với viên chức quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.
  • Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.
  • Đối với viên chức biệt phái, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi viên chức được cử đến biệt phái tiến hành xem xét xử lý kỷ luật, đề nghị hình thức kỷ luật và gửi hồ sơ xử lý kỷ luật về đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái để ra quyết định kỷ luật theo thẩm quyền.
  • Đối với viên chức đã chuyển công tác mới phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật mà còn trong thời hiệu quy định, thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức trước đây tiến hành xử lý kỷ luật, quyết định hình thức kỷ luật và gửi hồ sơ, quyết định kỷ luật về cơ quan, tổ chức, đơn vị đang quản lý viên chức. Nếu đơn vị sự nghiệp công lập trước đây đã giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách thì những người có trách nhiệm liên quan phải bàn giao hồ sơ để đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý viên chức thực hiện việc xử lý kỷ luật.

3. Trình tự, thủ tục xem xét xử lý kỷ luật Viên chức 

Thủ tục xử lý kỷ luật Viên chức được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Họp kiểm điểm Viên chức có hành vi vi phạm pháp luật

Ngoại trừ trường hợp Viên chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về hành vi tham nhũng thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải tổ chức cuộc họp để Viên chức vi phạm tự kiểm điểm và nhận thức kỷ luật.

Việc tổ chức cuộc họp kiểm điểm được tiến hành như sau:

  • Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức có đơn vị cấu thành thì tổ chức cuộc họp kiểm điểm với thành phần dự họp là toàn thể viên chức của đơn vị cấu thành mà viên chức đang công tác. Biên bản cuộc họp kiểm điểm ở đơn vị cấu thành được gửi tới người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức. Cuộc họp kiểm điểm của đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức có hành vi vi phạm pháp luật được tổ chức với thành phần dự họp là đại diện lãnh đạo chính quyền, cấp ủy và công đoàn của đơn vị;
  • Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức không có đơn vị cấu thành, thành phần dự họp kiểm điểm viên chức vi phạm là toàn thể viên chức của đơn vị.

Đối với viên chức quản lý có hành vi vi phạm pháp luật, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm viên chức có trách nhiệm tổ chức họp kiểm điểm và quyết định thành phần dự họp.

Tại cuộc họp kiểm điểm, Viên chức vi phạm phải làm bản tự kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật. Nếu người này không làm bản kiểm điểm thì cuộc họp kiểm điểm Viên chức vẫn được tiến hành.

Đặc biệt, nội dung cuộc họp này phải được lập thành biên bản và trong biên bản phải có kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật với viên chức có hành vi vi phạm.

Bước 2: Thành lập và họp Hội đồng kỷ luật

Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật Viên chức sẽ quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật để tư vấn về việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với Viên chức có hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp Viên chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng.

Trong đó, Hội đồng kỷ luật kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật thông qua bỏ phiếu kín và sẽ tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Chủ tịch Hội đồng kỷ luật có trách nhiệm công bố kết quả bỏ phiếu kín và thông qua biên bản cuộc họp.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, Chậm nhất là 03 ngày làm việc trước cuộc họp của Hội đồng kỷ luật, giấy triệu tập họp phải được gửi tới Viên chức có hành vi vi phạm pháp luật. Nếu Viên chức có hành vi vi phạm pháp luật vắng mặt phải có lý do chính đáng. Trường hợp Viên chức có hành vi vi phạm pháp luật vắng mặt sau 02 lần gửi giấy triệu tập thì đến lần thứ 03 sau khi gửi giấy triệu tập, nếu Viên chức đó vẫn vắng mặt thì Hội đồng kỷ luật vẫn họp xem xét và kiến nghị hình thức kỷ luật;

Bước 3: Ra quyết định kỷ luật

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp, Hội đồng kỷ luật phải gửi kiến nghị việc xử lý kỷ luật bằng văn bản kèm theo biên bản cuộc họp Hội đồng kỷ luật và hồ sơ kỷ luật cho người có thẩm quyền xử lý kỷ luật.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị, người có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật hoặc kết luận Viên chức không vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Nếu hành vi vi phạm của Viên chức có những tình tiết phức tạp thì có thể kéo dài thời hạn kỷ luật.

Đặc biệt, với Viên chức bị kết án phạt tù không được hưởng án treo hoặc bị kết án về hành vi tham nhũng thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì người có thẩm quyền ra quyết định buộc thôi việc Viên chức vi phạm pháp luật.

Bước 4: Khiếu nại

Viên chức bị kỷ luật có quyền khiến nại với quyết định kỷ luật theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

Trên đây là nội dung bài viết về vấn đề “Xử lý kỷ luật Viên chức được tiến hành như thế nào?” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí. 

3 thoughts on “Xử lý kỷ luật Viên chức được tiến hành như thế nào?

  1. Pingback: Điều kiện hưởng lương hưu đối với người lao động từ ngày 01/01/2021 có gì thay đổi? – Trang pháp luật kinh tế – Luật LawKey

  2. Pingback: Chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức bị tinh giản biên chế – Trang pháp luật kinh tế – Luật LawKey

  3. Pingback: Xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức theo quy định mới nhất - Trang pháp luật kinh tế - Luật LawKey

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *