Nghỉ hằng năm là khoảng thời gian người lao động được quyền nghỉ ngơi sau những tháng ngày làm việc vất vả. Vậy dựa vào đâu để tính số ngày nghỉ hằng năm cho người lao động? Trong bài viết dưới đây, Lawkey sẽ giải đáp giúp bạn đọc.

1. Số ngày người lao động được phép nghỉ hằng năm

Theo quy định tại các Điều 111, 114 Bộ luật lao động năm 2012:

Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

  • 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
  • 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;
  • 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

Ngoài ra, thời gian nghỉ hằng năm của người lao động còn tăng thêm theo thâm niên làm việc. Cụ thể, cứ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động được tăng thêm tương ứng 01 ngày.

Đối với người lao động có dưới 12 tháng làm việc cho người sử dụng lao động thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc. Cụ thể được tính như sau: lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm; kết quả phép tính lấy tròn số hàng đơn vị, nếu phần thập phân lớn hơn hoặc bằng 0,5 thì làm tròn lên 01 đơn vị.

Từ những điều đã phân tích ở trên, có thể thấy rẳng, căn cứ để tính số ngày nghỉ hằng năm là thời gian mà người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

2. Thời gian được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm 

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 45/2013/NĐ – CP, thời gian được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm bao gồm:

  • Thời gian học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động theo cam kết trong hợp đồng học nghề, tập nghề.
  • Thời gian thử việc theo hợp đồng lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động.
  • Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo quy định của Bộ luật lao động trong những trường hợp sau đây: (i) Kết hôn (nghỉ 03 ngày); Con kết hôn (nghỉ 01 ngày); Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết (nghỉ 03 ngày).
  • Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng.
  • Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.
  • Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng.
  • Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
  • Thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn.
  • Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động.
  • Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc.
  • Thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội.

Như vậy, người lao động có đủ 12 tháng làm việc hoặc có dưới 12 tháng làm việc cho người sử dụng lao động mà có thời gian làm việc bao gồm các thời gian làm việc như trên sẽ là căn cứ để tính số ngày nghỉ hằng năm.

Trên đây là nội dung bài viết “Căn cứ để tính số ngày nghỉ hằng năm cho người lao động” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.