Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty. Trong quá trình hoạt động, công ty TNHH hai thành viên trở lên có quyền thay đổi vốn điều lệ của công ty. Thay đổi vốn điều lệ có hai hình thức chính là tăng vốn điều lệ và giảm vốn điều lệ. Vậy công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể tăng/giảm vốn điều lệ trong những trường hợp nào? 

1. Tăng vốn điều lệ 

Theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014Công ty có thể tăng vốn điều lệ trong các trường hợp sau đây:

–  Tăng vốn góp của thành viên;

–  Tiếp nhận vốn góp của thành viên mới.

Lưu ý: Trường hợp tăng vốn góp của thành viên thì vốn góp thêm được phân chia cho các thành viên theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty.

Thành viên có thể chuyển nhượng quyền góp vốn của mình cho người khác.

Thành viên phản đối quyết định tăng thêm vốn điều lệ có thể không góp thêm vốn. Trường hợp này, số vốn góp thêm của thành viên đó được chia cho các thành viên khác theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty nếu các thành viên không có thỏa thuận khác.

2. Giảm vốn điều lệ 

Công ty có thể giảm vốn điều lệ bằng các hình thức sau đây:

– Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 02 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên;

–  Công ty mua lại phần vốn góp của thành viên;

– Vốn điều lệ không được các thành viên thanh toán đầy đủ và đúng hạn. Theo đó, trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp mà các thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết thì công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ công ty. 

3. Thủ tục thay đổi vốn điều lệ công ty 

Theo quy định tại Khoản 14 Điều 1 Nghị định 108/2018/NĐ-CP, trường hợp công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ thì công ty gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đã đăng ký. Nội dung Thông báo gồm:

– Tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp, mã số thuế);

–  Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch, số Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác quy định tại Điều 10 Nghị định này hoặc số quyết định thành lập, mã số doanh nghiệp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh;

– Tỷ lệ phần vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc của mỗi thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh;

– Vốn điều lệ đã đăng ký và vốn điều lệ đã thay đổi; thời điểm và hình thức tăng giảm vốn;

– Họ, tên, quốc tịch, số Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác quy định tại Điều 10 Nghị định này, địa chỉ thường trú và chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty hoặc thành viên hợp danh được ủy quyền đối với công ty hợp danh.

Kèm theo thông báo trên phải có thêm Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên việc thay đổi vốn điều lệ của công ty. Quyết định, biên bản họp phải ghi rõ những nội dung được sửa đổi trong điều lệ công ty.

Trường hợp nếu doanh nghiệp giảm vốn điều lệ thì công ty phải cam kết bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác sau khi giảm vốn.

Lưu ý: Nếu nghị quyết, quyết định về việc thay đổi vốn điều lệ đã được thông qua hợp pháp theo quy định của Luật doanh nghiệp mà có thành viên bị chết, mất tích, vắng mặt tại nơi cư trú, tạm giam, kết án tù, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc từ chối ký tên vào danh sách thành viên thì không bắt buộc phải có chữ ký của thành viên đó trong các danh sách nêu trên.

Khi nhận thông báo, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

Trên đây là nội dung bài viết “Công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể thay đổi vốn điều lệ trong những trường hợp nào?” mà Lawkey gửi đến bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *